Khu nghỉ dưỡng - điều trị phục hồi chức năng Thiền Tâm

Khu nghỉ dưỡng - điều trị phục hồi chức năng Thiền Tâm

Khu nghỉ dưỡng - điều trị phục hồi chức năng Thiền Tâm có tổng diện tích 73ha chia thành 2 khu chính: Khu Thiền Tâm 1: rộng 3ha, đối diện Khu du lịch  Vườn Xoài, ấp Tân Cang, xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Tại khu Thiền Tâm 1 này hiện tọa lạc Khu Điều trị bệnh phục hồi chức năng bằng phương pháp vật lý trị liệu như các bệnh về cơ xương khớp, thoái hóa, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm, thần kinh tọa, tai biến mạch máu não, rối loạn tiền đình…

Khu Thiền Tâm 2: rộng 70ha, thuộc ấp Tân Lập, xã Tam phước, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Công trình Trường Thiền hiện tọa lạc tại khu này để phục vụ cho việc thiền tập. Hiện trong không gian yên tĩnh và nhiều cây xanh của Khu Thiền Tâm 2 đã xây dựng 2 căn nhà mẫu để quý khách có thể đến để nghỉ dưỡng và chữa bệnh.

Theo ông Lâm Văn Trung - một trong hai nhà đồng sáng lập của Thiền Tâm (cùng anh Nguyễn Hồng Vĩnh) cho biết: Dự kiến trong vòng 3 năm sẽ có 200 căn nhà nghỉ dưỡng được xây dựng xong. Ngoài ra tại Thiền Tâm còn sản xuất các sản phẩm sạch như nước tinh khiết đóng chai mang thương hiệu Ta, nấm linh chi, măng khô. Thiền Tâm đang chuẩn bị đưa vào hoạt động một nhà hàng nhỏ để phục vụ cho quan khách đến tham quan. Hiện tổng số nhân viên đang làm việc tại Thiền Tâm là 80 người.

Thiền Tâm được bắt đầu xây dựng vào năm 2013 dựa trên tinh thần Phật giáo “Vô ngã lợi tha”, tức chia sẻ thì vắng lặng sự mong cầu, hay “Thi ân bất cầu báo”. Mong muốn của các nhà sáng lập Thiền Tâm là mang được lợi ích đến cho bản thân (được tu tập ngay trong đời sống này) và mang lợi ích đến cho người (được chia sẻ và mang đến môi trường sống, môi trường làm việc thiện lành cho nhiều người).  “Mong muốn Thiền Tâm ra đời để làm sao có chỗ cho bệnh nhân điều trị và hành thiền nên dù kinh phí có khó khăn chúng tôi cũng cố gắng thành lập”, anh Lâm Văn Trung chia sẻ.

Tiêu chí của Thiền Tâm là “Không phải tu tập để kinh doanh mà là kinh doanh để tu tập”. Thiền Tâm hoạt động với hình thức thế tục nhưng tinh thần sống tương tự như tu viện, mọi người luôn phải thực hành giáo lý Phật giáo trong suy nghĩ, lời nói, hành động. 

Mỗi ngày tất cả nhân viên được hành thiền hoặc nghe đọc sách, chia sẻ tinh thần Phật giáo 1 giờ, thời gian này vẫn được tính lương như giờ làm việc bình thường, đây là tinh thần tự nguyện, nhân viên nào không nghe đọc sách hoặc hành thiền thì đi làm bình thường. Tất cả nhân viên được hướng dẫn hành thiền trong công việc, làm trong tĩnh lặng. Không được uống rượu, bài bạc, trai gái lăng nhăng, nói tục, chửi thề, tụ tập ồn ào… trong công ty, đây cũng là giới cấm của Đức Phật. Tất cả nhân viên không được nói dối hay ẩn ý nói dối để mang lợi ích về cho mình hoặc cho công ty, nếu bị phát hiện sẽ bị khiển trách công khai hoặc bị kỷ luật hoặc phải thôi việc nếu không cải thiện. Kể cả nhân viên kinh doanh cũng không được nói dối hay dùng bất kỳ hình thức nào sai sự thật để dụ dỗ khách hàng nhằm đạt được lợi ích cho mình hay công ty. Lợi mình hại người là tuyệt đối không được làm, đây cũng là lời dạy của Đức Phật.

Bệnh nhân đến điều trị tại Thiền Tâm được hưởng các chế độ, chính sách miễn - giảm theo qui định dành cho tu sĩ, người địa phương, người có hoàn cảnh khó khăn, người có hoàn cảnh đặc biệt… Bệnh nhân không được cho tiền hay bất kỳ tặng phẩm nào cho nhân viên và ngược lại, nhân viên không được nhận bất cứ những gì từ bệnh nhân như tiền, quà tặng… Thiền Tâm mong sao cho mình và mọi người mỗi ngày được sống tốt hơn, bình an, thanh thản hơn, thong dong trên con đường mà cuộc đời mình phải đi qua, tuyệt đối không xây dựng sự phát triển bằng nền tảng bất thiện.

Về hai nhà sáng lập Thiền Tâm: Anh Nguyễn Hồng Vĩnh là bác sĩ chuyên ngành vật lý trị liệu - phục hồi chức năng. Anh đã từng công tác tại Trường Đại học Y Dược (được trường giữ lại sau khi tốt nghiệp). Sau đó anh Nguyễn Hồng Vĩnh cùng với anh Lâm Văn Trung thành lập công ty xây dựng Paradise và đồng sáng lập Trung tâm Điều trị Phục hồi chức năng Vĩnh Đức (tại thành phố Hồ Chí Minh). Anh Nguyễn Hồng Vĩnh là người Công giáo; Anh Lâm Văn Trung tốt nghiệp các chuyên ngành Điện tử viễn thông, Công nghệ thông tin và Mỹ thuật - Ngành nội thất. Trước khi thành lập Thiền Tâm đã từng làm việc tại nhiều công ty, từ thiết kế từ đồ họa cho đến kỹ thuật như FPT và sau cùng là báo Tuổi Trẻ. Anh Lâm Văn Trung là người Phật Giáo.

Tin cùng chuyên mục