Thế giới đang bị đe dọa bởi hiệu ứng nhà kính, hiện tượng nóng lên toàn cầu. Băng tan ở hai cực làm cho nước biển dâng và Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Và hiện nay, nhiều khu vực miền Trung và miền Nam Việt Nam bị ngập lụt nặng mỗi khi có bão hoặc mưa lớn, hàng năm có nhiều đất đai mất đi do nước biển dâng cao.
Huyện Cần Giờ là một trong những huyện có mực nước biển dâng cao, ngoài ra Cần Giờ còn được coi như lá phổi xanh của thành phố Hồ Chí Minh bởi có các đặc điểm địa hình, địa chất thủy văn rất đặc trưng của rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn chính là con đê mềm chắn sóng và thích nghi rất tốt với biến đổi khí hậu.
Chính vì thế, các sinh viên Tống Duy Tân, Đỗ Anh Quân, Bùi Thị Yến của Đại học Kiến trúc Hà Nội đề xuất mô hình và giải pháp cho một khu ở để ứng phó với biến đổi khí hậu giúp cho dân cư có thể sống thích nghi hòa hợp với thiên nhiên, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái của rừng ngập mặn Cần Giờ. Từ những hình ảnh gần gũi và đặc trưng nhất của rừng ngập mặn như tổ chim, rừng đước, kênh rạch để đưa ra ý tưởng thiết kế cho công trình. Khu ở tập trung được thiết kế với hình dáng hài hòa với tự nhiên, lớp vỏ ngoài như một chiếc tổ chim bảo vệ cho công trình, bên trong lõi tạo thành một cây đước lớn vươn cao. Các đường dạo bộ vòng quanh lõi được thiết kế mềm mại tiếp cận tới các tầng và lên đài quan sát trên đỉnh của cây đước. Giao thông trong công trình chủ yếu sử dụng thang máy và thang bộ tại 3 lối giao thông đứng được bố trí tại 3 phía của công trình, kết nối chặt chẽ với lõi giao thông ở giữa và các khu vực trong công trình.
Công trình này được đánh giá xuất sắc tại cuộc thi “Kiến trúc Xanh 2015 “ do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức.