Khu vui chơi miễn phí dành cho thiếu nhi: Đừng để biến thành “phế tích”

Điểm đến mới của trẻ em

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của HĐND TPHCM về việc xây dựng 10 khu vui chơi dành cho thiếu nhi trên địa bàn một số quận huyện, đến nay đã có 7/10 công trình được đưa vào hoạt động. Liệu những công trình này có phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả thiết thực như mong đợi?

Điểm đến mới của trẻ em

7 khu vui chơi miễn phí dành cho thiếu nhi được đưa vào hoạt động, gồm khu vui chơi ở Công viên thị trấn Cần Thạnh (Cần Giờ), Công viên Phú Lâm (quận 6), Công viên xã Bình Chánh (Bình Chánh), Công viên Tao Đàn, 23-9 (quận 1), Công viên Lê Thị Riêng (quận 10) và Trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên ở huyện Nhà Bè, đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, là điểm đến của các em thiếu nhi.

Vào những buổi chiều hoặc những ngày cuối tuần, ở các khu vui chơi miễn phí này luôn thu hút đông đảo thiếu nhi đến vui chơi.

Anh Thanh Tâm, một trong số rất nhiều phụ huynh đưa con em đến giải trí ở khu vui chơi Công viên xã Bình Chánh chia sẻ: “Từ ngày có khu vui chơi này, chiều chiều tôi hay sắp xếp thời gian chở con ra đây cho bé vừa chơi vừa được chạy nhảy, vận động, tốt cho sức khỏe. Nếu sau giờ học ở trường về lại “nhốt” bé trong nhà hoặc để bé chơi game hoài cũng không tốt”. Ở hầu hết các khu trò chơi tại đây đều có khá đông các em thiếu nhi đang cười đùa, vui chơi hớn hở với các trò bập bênh, xích đu, cầu tuột…

Cách nay chưa đầy 1 năm, Báo SGGP từng đề cập đến vấn đề lãng phí, xuống cấp của khu vui chơi thiếu nhi ở xã Bình Lợi, Bình Chánh. Những tưởng 10 công trình mà lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm đôn đốc thực hiện sẽ tránh được vết xe đổ ấy.

Thế nhưng, những khu vui chơi dành cho thiếu nhi chỉ một thời gian ngắn đưa vào hoạt động đã có công trình xuống cấp trầm trọng. Đó là khu vui chơi dành cho thiếu nhi nằm trong Công viên xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh. Công trình này được đưa vào hoạt động vào dịp 1-6-2011 với hàng chục loại trò chơi khác nhau.

Tuy nhiên, đến nay một số thiết bị trò chơi đã bắt đầu hư hỏng như trò chơi leo dây lưới đã bị mất hết dây chỉ còn trơ trụi khung sắt; trò chơi xích đu đã bị hư hỏng một cái; còn nhà banh - máng trượt thì không còn một trái banh và mái che cũng đã bung mất gần hết một bên… Vừa qua, có một em thiếu nhi đến đây chơi trượt từ máng trượt xuống nhà banh nhưng do không có banh nên té gãy tay! Vì vậy, để không có thêm tai nạn đáng tiếc xảy ra, khu vui chơi đã có “sáng kiến” cho người gắn khung sắt bít máng trượt lại!

Chưa kể, toàn bộ khu vui chơi hoàn toàn không có một bóng mát nên các em chỉ có thể chơi vào sáng sớm hoặc chiều mát. Trước thực tế “phơi nắng” trò chơi và thiếu sự bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời của cơ quan quản lý như trên, e rằng không bao lâu nữa khu trò chơi này sẽ chẳng còn trò nào để các em vui chơi.

Giữ gìn sân chơi chung

Theo quan sát của chúng tôi, khu trò chơi dành cho thiếu nhi ở Công viên xã Bình Chánh xuống cấp trầm trọng là do nhiều nguyên nhân. Trước tiên, ở khu vui chơi này không hề đặt bảng hiệu quy định độ tuổi nào được chơi các loại trò chơi ở khu vực nào, nên mạnh ai nấy chơi khiến các loại trò chơi nhanh chóng hư hỏng. Kế đến là trong khu vực vui chơi chưa bố trí nhiều ghế đá để người thân của các em nghỉ chân nên nhiều người “ngồi tạm” luôn lên… các trò chơi. Điều quan trọng là ý thức của một số thiếu nhi và người thân vào khu vui chơi này chưa cao nên khi chơi rất thiếu tinh thần giữ gìn.

Một nhân viên bảo vệ ở Khu vui chơi Công viên xã Bình Chánh nói: “Mặc dù thường xuyên nhắc nhở nhưng khi vắng mặt một chút là có nhiều em thiếu nhi có biểu hiện không tốt. Chẳng hạn như khi vui chơi ở nhà banh - máng trượt, có em dùng vật nhọn đâm thủng banh không thương tiếc hoặc lấy banh ném lung tung. Thậm chí có em thấy trái banh nào “vừa ý” là lén lấy về”.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận 6 Nguyễn Quang Minh, đơn vị quản lý khu vui chơi miễn phí dành cho thiếu nhi ở Công viên Phú Lâm kể, ở khu chơi này mặc dù được gắn đầy đủ nội quy nhưng ý thức của một số người vào vui chơi còn kém nên “vô tư” phớt lờ quy định. Khi được nhắc nhở có người còn cự cãi lại.

Có thể nói, chủ trương đầu tư xây dựng các khu vui chơi miễn phí dành cho thiếu nhi của lãnh đạo thành phố là hoàn toàn đúng đắn nhưng để tránh lãng phí, đòi hỏi các ngành, các cấp của địa phương phải có sự quan tâm, kiểm tra thường xuyên. Đặc biệt, người dân khi đến khu vui chơi phải có ý thức hơn.

Đỗ Hạnh

Tin cùng chuyên mục