Mèo Vạc (Hà Giang) không chỉ có những dãy núi đá tai mèo trải dài hàng chục cây số, với chợ tình Khau Vai nổi tiếng thơ mộng, mà còn có dòng Nho Quế hung dữ, vô vàn thác ghềnh đang bị khuất phục để biến tiềm năng thủy điện rất lớn thành hiện thực…
Con đường độc đạo quốc lộ 4C từ thị xã Hà Giang lên cao nguyên đá Đồng Văn- Mèo Vạc ngoằn ngoèo, chênh vênh trên những dãy núi đá tai mèo xám xịt. Sau những giờ phút căng thẳng leo dốc, vượt đèo, cổng trời đã hiện ra trước mắt. Tiếp đến là cổng trời Yên Minh, đèo Cán Tỷ, rồi vượt đỉnh Mã Pí Lèng - điểm cao nhất của cao nguyên đá, từ đây nhìn xuống dòng Nho Quế như một sợi chỉ xanh ngắt uốn lượn qua các dãy núi. Từ thị xã Hà Giang, mất gần nửa ngày trời, chúng tôi mới tới được Mèo Vạc - thung lũng của những hàng sa mộc trầm tư trong cái lạnh khắc nghiệt của miền biên ải.
Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, anh Phạm Quang Tân cho biết, cữ này trời lạnh cóng, thậm chí là băng giá, mưa ít khiến đời sống bà con gặp vô cùng khó khăn. “Nhưng so với những năm trước bây giờ cuộc sống cũng đã tốt hơn rất nhiều”, anh Tân nói.
Mèo Vạc đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả các doanh nghiệp, tập đoàn lớn qua việc đầu tư xây dựng nhiều công trình phúc lợi, từ trường học, trạm xá cho tới hồ chứa nước trên núi và cả thủy điện. Quả thực, trên đường lên đây, chúng tôi cũng đã bắt gặp không ít những điểm thủy điện nhỏ ở vùng toàn đá tai mèo. Điều đó khiến mọi người kinh ngạc.
Chủ tịch Tân cho biết thêm, trên dòng Nho Quế thác ghềnh tới nay đã có 3 dự án thủy điện là Nho Quế 1, 2 và 3. Dòng Nho Quế hung dữ bao đời nay đang dần bị khuất phục để tạo ra dòng điện cho đất nước.
Lại vượt hơn 30 cây số đường đèo dốc, trên con đường trải đá mù mịt bụi, chúng tôi tới Lũng Pù, một trong những xã có số hộ phải di dân nhiều nhất để làm Thủy điện Nho Quế 3. Vàng Mí Tủa, 28 tuổi, nhưng đã có “thâm niên” 5 năm làm chủ tịch xã bộc bạch, cuộc sống của bà con người Mông nơi đây đã bao đời nay gắn bó với đá núi, quen “sống trên đá, chết vùi trong đá” nên khi có chủ trương di dời để xây dựng thủy điện đã gặp phải không ít sự phản ứng của người dân. Thế nhưng, sau nhiều lần hỗ trợ và thuyết phục, bà con dần hiểu ra rằng, có thủy điện cuộc sống cực nhọc bấy lâu nay sẽ vơi dần đi nên đa số người dân đã đồng tình. Bởi lẽ ngoài việc hỗ trợ tiền mặt, nhà cửa, đất sản xuất, các hộ phải di dời còn được hỗ trợ gạo trong 3 năm liền, với mức 8kg/người/tháng. Cho tới thời điểm này, với 60 hộ phải thu hồi đất và 24 hộ phải di dời mọi việc đã hoàn thành, người dân đã dần ổn định nơi ở mới.
Tại làng Tỉnh Giào D, Lũng Pù - một trong những điểm định cư mới, những ngôi nhà tường thấp lè tè nhưng bếp củi vẫn cháy đượm giữa nhà. Ông Thào Súa Kỳ sau vài chén rượu ngô khê nồng, khề khà nói: “Nhờ có thủy điện mà giờ cái bụng cả nhà tao không còn đói nữa. Trước đây, 9 cái miệng ăn chỉ trông chờ mấy cái nương ngô, xay ra làm “mèn mén” (món ăn truyền thống của người Mông ở Hà Giang) cũng chỉ đủ ăn vài tháng. Bây giờ, không chỉ có ngô mà nhà tao đã có gạo ăn quanh năm. Nhờ tiền hỗ trợ của thủy điện, tao đã mua được 5 con bò và 15 con dê để nuôi thêm”.
Để góp vui, ông Sình Vẳn Lúa, hàng xóm của ông Thào Súa Kỳ hồ hởi: “Ơn Đảng, ơn Nhà nước có làm thêm mấy cái thủy điện nữa trên cao nguyên đá này thì tao cũng ủng hộ hết. Có thủy điện, hai thằng lớn nhà tao được nhận vào làm công nhân mở đường, mỗi ngày cũng kiếm được gần trăm ngàn bằng mấy ngày đi nương, vào rừng”.
Trên con đường vừa mới được mở rộng từ thị trấn Mèo Vạc lên các xã vùng cao, vùng sâu: Khau Vai, Lũng Pù, Sơn Vĩ… là hàng đoàn xe tải hạng nặng hối hả chở vật liệu lên làm thủy điện Nho Quế 3. Kỹ sư Vũ Chí Mỹ, Tổng Giám đốc Bitexco - Nho Quế 3, người nhiều năm “chinh chiến” thủy điện, từ Sông Đà rồi Yaly tới Sơn La, sau cái bắt tay thật chặt với chúng tôi, tâm sự: “Quả thực khi bắt tay vào đầu tư xây dựng Nho Quế 3, anh em không ngờ sự gian khổ, khắc nghiệt của địa hình và khí hậu nơi đây lại khủng khiếp như vậy. Đây là công trình có điều kiện thi công đặc biệt khó khăn và nằm trong khu vực cũng đặc biệt khó khăn. Chỉ riêng chuyện bạt núi mở 15 cây số đường để vận chuyển vật liệu xây dựng vào công trình cũng đã mất đứt cả năm trời”.
Nhìn những núi đá tai mèo sắc lẹm, dựng đứng, xám xịt trong màn sương lạnh của núi rừng, đang được những người thợ neo người trên vách đá khoan, nổ mìn, bất giác nhớ lại câu chuyện lịch sử 50 năm trước. Khi đó hàng ngàn dân công và thanh niên xung phong 6 tỉnh thuộc khu tự trị Việt Bắc, trong 7 năm trời ròng rã, chỉ bằng những dụng cụ thô sơ treo mình trên vách đá hiểm trở của đỉnh Mã Pí Lèng để phá đá mở con đường huyền thoại quốc lộ 4C, hay còn gọi là con đường Hạnh phúc. Lẽ tất nhiên mọi gian khổ, vất vả của những người thợ đang làm Nho Quế 3 hôm nay không thể so bì được với những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến năm xưa. Nhưng dù sao đi nữa họ cũng xứng được xem là những người dũng cảm.
Anh Vũ Quang Hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bitexco bày tỏ, với số vốn gần 3.000 tỷ đồng bỏ ra đầu tư xây dựng thủy điện Nho Quế 3, nếu đem đầu tư vào kinh doanh bất động sản, xây dựng các khu đô thị ở các thành phố lớn thì thu lợi không nhỏ. Thế nhưng, tập đoàn vẫn quyết tâm đầu tư vào Nho Quế 3, để hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ đề nghị các tập đoàn kinh tế lớn tham gia giúp các huyện nghèo ở vùng sâu vùng xa phát triển kinh tế - xã hội. Hơn nữa, với Mèo Vạc là huyện nghèo nhất cả nước, cuộc sống của bà con rất khổ cực, vì thế khi Nho Quế 3 phát điện, mỗi năm sẽ đóng góp từ 40-50 tỷ đồng vào ngân sách địa phương, gấp hơn 4 lần thu ngân sách hiện nay. Rồi đây, hồ chứa nước của Nho Quế 3 kết hợp với chợ tình Khâu Vai nổi tiếng và Công viên địa chất Lũng Pù, sẽ tạo ra một mạng lưới du lịch độc đáo trên cao nguyên đá.
Sương mù giăng kín núi rừng. Đây đó bên hàng rào đá của những ngôi nhà người Mông, những cây đào cổ thụ đã chớm một vài nụ hoa nở sớm. Một cái tết với bao ước mơ lại về trên cao nguyên đá.
Sông Nho Quế bắt nguồn từ vùng núi đá có độ cao hơn 1.800m thuộc Vân Nam (Trung Quốc), chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam vào Việt Nam ở cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc (Hà Giang), rồi nhập với sông Gâm ở Nà Mát (xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng). Sông Nho Quế có tổng diện tích lưu vực là 6.050km², trong đó phần thuộc về Việt Nam là 2.010km². Dòng sông chảy qua Việt Nam ở khu vực núi non hiểm trở, lòng sông hẹp, nhiều thác ghềnh. |
TRUNG KIÊN