Khủng hoảng kinh tế làm… tăng tiêu dùng xanh

Khủng hoảng kinh tế, gia tăng lạm phát đã buộc người tiêu dùng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng có lợi lâu dài. Đó là sử dụng sản phẩm sinh thái, thân thiện môi trường. Một nghiên cứu mới nhất của Cetelem cho thấy, có đến 64% người dân Châu Âu nói chung chuyển hướng sang sử dụng sản phẩm sinh thái. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, dù người dân tiết kiệm trong nhiều khoản chi tiêu nhưng đối với sản phẩm xanh vẫn có tỷ lệ tăng trưởng 12 – 13% trong năm vừa qua. Còn tại nước ta, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang làm gì để thích ứng, đồng thời khuyến khích xu hướng tiêu dùng xanh của người dân?
Khủng hoảng kinh tế làm… tăng tiêu dùng xanh

Khủng hoảng kinh tế, gia tăng lạm phát đã buộc người tiêu dùng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng có lợi lâu dài. Đó là sử dụng sản phẩm sinh thái, thân thiện môi trường. Một nghiên cứu mới nhất của Cetelem cho thấy, có đến 64% người dân Châu Âu nói chung chuyển hướng sang sử dụng sản phẩm sinh thái. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, dù người dân tiết kiệm trong nhiều khoản chi tiêu nhưng đối với sản phẩm xanh vẫn có tỷ lệ tăng trưởng 12 – 13% trong năm vừa qua. Còn tại nước ta, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang làm gì để thích ứng, đồng thời khuyến khích xu hướng tiêu dùng xanh của người dân?

Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng sống sành điệu của giới trẻ.

Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng sống sành điệu của giới trẻ.

Sống xanh hay sống mòn với ô nhiễm?

Điều này phụ thuộc phần lớn vào hành động và trách nhiệm của cộng đồng. Tại nước ta, vấn đề ô nhiễm môi trường đã trở nên nhức nhối, đe dọa trực tiếp cuộc sống của người dân. Nhiều làng ung thư đã xuất hiện. Hàng trăm người dân đã phải từ bỏ cuộc sống của mình vì nhiễm phải chất thải độc hại thải ra từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đen. Hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước đã phải chi ra nhằm cải thiện chất lượng môi trường…

Thế nhưng, bất chấp những tổn hại về kinh tế, sức khỏe cộng đồng, vẫn còn hàng ngàn doanh nghiệp tiếp tục vi phạm môi trường. Nghị định xử phạt về hành vi vi phạm môi trường đã phải thay đổi trong năm 2009 theo hướng tăng nặng hình thức xử phạt. Mục đích việc làm này nhằm thay đổi hành vi ứng xử với môi trường, với cộng đồng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế ô nhiễm môi trường vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu.

Thực tế đã chứng minh, cộng đồng có quyền và sức mạnh rất lớn trong việc buộc các doanh nghiệp phải thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Quyền này còn lớn hơn bất kỳ quy định nào của pháp luật về môi trường. Vấn đề còn lại là cộng đồng phát huy quyền này như thế nào? Đơn giản với hành động xách giỏ đi chợ, người tiêu dùng chỉ cần điều chỉnh hành vi mua sắm của mình từ chỗ lựa chọn sản phẩm một cách vô định sang chọn sử dụng những sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Trên thực tế, trong 5 năm lại đây, thông qua nhiều hoạt động kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, cộng đồng đã bắt đầu quan tâm và ủng hộ sử dụng hàng hóa của các doanh nghiệp xanh. Hiệu ứng xã hội này đã và đang lan tỏa rất nhanh, rất sâu trong cộng đồng. Và với đà phát triển này thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa, phong trào tiêu dùng sản phẩm xanh sẽ trở thành xu thế tất yếu trong xã hội.

Tuần hành phản đối doanh nghiệp đen

Tuần hành phản đối doanh nghiệp đen

Không dừng lại đó, phong trào sống xanh đã và đang trở thành phong cách sống sành điệu, phong cách sống của tương lai của hàng triệu giới trẻ trên khắp đất nước. Họ không dừng lại bằng việc kêu gọi mọi người hành động chung chung để bảo vệ môi trường mà đang làm tất cả bằng những hành động rất thiết thực.

Cụ thể như, đi xe đạp để kêu gọi cộng đồng cùng giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính; thực hiện hành vi tiêu dùng sản phẩm xanh thay cho sản phẩm của các doanh nghiệp chưa cam kết thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; tham gia giải tỏa các điểm nóng ô nhiễm; vận động người dân sống xanh ngay tại nhà mình bằng cách thực hiện phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu sử dụng túi nilon, tiết kiệm điện…

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết thêm, riêng tại thành phố, từ năm 2006 đến nay, sở đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hoạt động phong trào toàn dân bảo vệ môi trường, những phong trào này đã thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân, đoàn thể tham gia. Điển hình là sở đã thực hiện ký kết liên tịch bảo vệ môi trường với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động, Thành đoàn và UBND các quận huyện trên địa bàn thành phố… Hàng triệu cán bộ phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên… đã được tập huấn về công tác bảo vệ môi trường.

Từ đó, hàng trăm khu dân cư thân thiện môi trường đã được hình thành. Điển hình như khu dân cư xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, các tuyến đường nóng về ô nhiễm như Láng Le – Bàu Cò, đường số 2… Ngoài ra, còn hàng trăm điểm nóng ô nhiễm môi trường tại các quận 4, 5, 6, 11, Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn… đã dần chuyển hóa. Khó để có thể kể hết những gì mà cộng đồng dân cư đã và đang làm nhằm cải thiện chất lượng môi trường sống của mình. Thế nhưng, điều có thể thấy rõ hơn hết là nhận thức bảo vệ môi trường trong người dân đã được nâng cao đáng kể.

Thắt chặt quản lý để kích cầu xanh

Có thể nói, hơn 30 năm phát triển kinh tế đất nước là hơn 30 năm nước ta đã phải hy sinh môi trường cho kinh tế. Đến thời điểm này, môi trường không thể bị hy sinh thêm vì bất kỳ mục đích kinh tế nào.

Chính vì thế, từ năm 2008 đến nay, hàng loạt quy định, biện pháp xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường được ban hành. Nhiều lực lượng thanh kiểm tra môi trường đã được thành lập nhằm thực thi hiệu quả hơn Luật Bảo vệ môi trường trong cuộc sống. Hàng ngàn doanh nghiệp đen cũng đã bị phơi bày ra ánh sáng và không ít trong số đó đã phải buộc ngưng hoạt động vì gây ô nhiễm, gây hại cho cuộc sống cộng động.

Không dừng lại đó, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sắp tới bộ đề xuất nâng mức xử phạt lên 2 tỷ đồng/hành vi; công khai thông tin và hỗ trợ cộng đồng để tăng cường sự tham gia giám sát. Ngoài việc xử lý bằng hình thức phạt tiền, cơ quan chức năng sẽ buộc cơ sở gây ô nhiễm áp dụng biện pháp giảm thiểu ô nhiễm và xây dựng kế hoạch xử lý triệt để tại cơ sở, báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường địa phương để kiểm tra, theo dõi.

Mặt khác, bộ yêu cầu địa phương sớm hoàn thiện kế hoạch xử lý triệt để doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, đồng thời không để phát sinh thêm cơ sở ô nhiễm mới.

Cộng với những biện pháp siết chặt về luật thì sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng, đặc biệt thông qua chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh, sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường triển khai rộng khắp cả nước từ năm 2010 đến nay cho thấy việc doanh nghiệp đen sẽ không còn đất sống chỉ trong tương lai gần.

Sự triệt tiêu doanh nghiệp đen cũng là hệ quả tất yếu cho những doanh nghiệp nào vẫn còn ấp ủ tư tưởng tăng lợi nhuận bằng mọi giá, trong đó kể cả việc xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đã đến lúc, các doanh nghiệp sẽ phải tự nhìn nhận lại hoạt động sản xuất của mình theo hướng xanh hơn, sạch hơn nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững.

Có thể nói, để có thể cải thiện chất lượng môi trường sống, chỉ cơ quan chức năng thì không thể làm được mà rất cần sự chung sức, đồng lòng từ phía cộng đồng. Trong 5 năm qua, sự chung sức trên đã cho thấy chất lượng môi trường trên địa bàn TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung đã và đang gặt hái được những thành công nhất định.

Việc duy trì và phát huy được những thành tích này trong tương lai sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống của chính người dân, đồng thời đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội nhanh bền vững mà Chính phủ đã đề ra.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục