Khủng hoảng nhân sự VFF

Sau nhiều ồn ào, cuối cùng thì Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng đã công bố bản danh sách các ứng cử viên trước khi trình Bộ Nội vụ thông qua để có thể ấn định thời gian tổ chức Đại hội khóa 8. 
Nhưng xem ra, việc chốt danh sách hiện nay cũng chỉ là khởi đầu cho những trăn trở, khó khăn mới của bóng đá Việt Nam khi nhiều chuyên gia lâu năm trong nghề đánh giá: chưa bao giờ VFF lại thiếu cả “chất lẫn lượng” đến vậy. 

Mặc dù có đến 46 ứng cử viên cho 17 vị trí trong ban chấp hành, nhưng chỉ có 5 người là doanh nhân và dự báo chỉ có tối đa 3 người được bầu vào khóa mới, chiếm chưa đến 20% dù bóng đá Việt Nam luôn gặp khó khăn về mặt tài chính. Đó là chưa nói, bản danh sách còn thiếu các ứng cử viên là luật sư, chuyên gia có kinh nghiệm hoạt động mảng thể thao, bóng đá để có thể giúp VFF tăng tính minh bạch ở các vấn đề có tác động đến dư luận xã hội. Nếu xem VFF là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thì bản danh sách này chỉ thể hiện khoảng 20%-25% “tính xã hội” mà thôi. 

Cụ thể hơn, đó là ở vị trí chủ tịch - nhân vật có tầm ảnh hưởng bao trùm mọi hoạt động của VFF, dù có đến 4 ứng viên nhưng hết 3 người là “dân chuyên môn”, không có vị thế nổi bật trong làng thể thao nước nhà. Ứng cử viên còn lại là nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế thì cũng đã về hưu. Ở vị trí có tầm quan trọng kế tiếp, tức phó chủ tịch chuyên môn, thì cả 3 ứng viên đều từng giữ chức vụ này trong các nhiệm kỳ gần đây. Rõ ràng, bóng đá Việt Nam đang thiếu người trầm trọng. Hay nói đúng hơn, VFF không còn khả năng thu hút được người giỏi tham gia bộ máy của mình.
Đó là thực tế rất đáng lo ngại, bởi nó diễn ra trong bối cảnh mà bóng đá Việt Nam vừa chớm có cơ hội “mở mày, mở mặt” sau thành công của U.23 Việt Nam. Người hâm mộ đã hy vọng sẽ có một VFF hoàn toàn mới, hội tụ được nhiều người có nội lực để đóng góp cả về tâm huyết lẫn vật chất, có thể biến thời cơ thành sự phát triển mang tính đột phá. Tuy nhiên, căn cứ vào bản danh sách quá nặng “tính nghề nghiệp” nói trên, thật khó để hy vọng.

Nguyên nhân đầu tiên, đó là bóng đá Việt Nam hiện nay thừa người nêu vấn đề nhưng lại quá thiếu những giải pháp. Lấy ví dụ như bầu Đức, bầu Thắng - những người liên tục phát biểu ý kiến gây xáo trộn đời sống bóng đá trong thời gian gần đây, nhưng chính các ông bầu này cũng đã rút lui và không hề có những đề cử chất lượng nào thay thế cho mình tham gia vào bộ máy mới của VFF. Điều này dẫn đến một sự thật đáng buồn là trong danh sách các ứng viên, chỉ còn 2 doanh nhân có tiếng tăm là ông Trần Anh Tú và ông Lê Văn Thành - đều là người cũ đã làm ở 3 nhiệm kỳ gần đây. 

Tồn tại kế tiếp là VFF không hề có cơ chế thuận lợi để mời người giỏi tham gia. Theo quy trình hiện nay, các ứng viên chủ yếu đến từ việc đề cử của các thành viên trong nội bộ VFF. Trong khi đó, từ hơn chục năm trước, đại hội VFF nhận rất nhiều ứng viên được giới thiệu từ những tổ chức xã hội khác như Hội Luật gia, Hội Doanh nhân Việt Nam… Riêng vị trí chủ tịch, không chỉ gửi thư mời mà còn phải tổ chức vận động các nhân vật nổi tiếng là chính khách, doanh nhân thành đạt tham gia, không cần phải thông qua đề cử. Quá trình đó phải dựa trên sự cầu thị, khao khát đổi mới để không bỏ lỡ người có tâm, có tầm. Đáng tiếc là hiện nay, ngay cả việc mời ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, tham gia mà VFF còn ngại vì “mời chưa chắc ông ấy đã đồng ý”.

Thái độ sẽ quyết định đến hành động. Chất lượng bộ máy sẽ cho chúng ta biết đến triển vọng của công việc. Với bản danh sách các ứng cử viên thiếu cả chất lượng lẫn kinh nghiệm làm việc, một lần nữa VFF cho thấy uy tín của tổ chức này đã sa sút đến mức nào. Thế nên, niềm tin về sự phát triển của bóng đá Việt Nam hãy còn là chuyện xa vời.

Tin cùng chuyên mục