Cuối tuần này, lượt về các giải đấu sẽ khởi tranh trong ngổn ngang khi 2 tuần lễ nghỉ thi đấu vừa qua gần như không giúp được nhiều cho các CLB đang gặp khó khăn. Với một giai đoạn ngắn như vậy, muốn cải thiện thành tích, chỉ còn mỗi cách bổ sung lực lượng. Vấn đề nằm ở chỗ: thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội địa gần như đóng băng vì luôn luôn thiếu người, trong khi đó, thị trường ngoại binh lại phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà môi giới, cung cấp cầu thủ. Với nguồn “trôi nổi” này, phải có thời gian thử việc nhưng phải mất đến gần một tháng mới bảo đảm chất lượng.
Đấy chính là cuộc khủng hoảng của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hiện tại. Giá chuyển nhượng được đẩy lên cao một cách chóng mặt chủ yếu là do cầu vượt cung khá lớn. Đã thế, còn bị hạn chế bởi chính sách hạn chế ngoại binh, còn tạo thêm bão giá. Trong tổng chi phí đầu tư cho bóng đá, chỉ riêng chuyển nhượng và lương bổng đã chiếm đến 80%.
Nhưng một vấn đề còn nghiêm trọng hơn, làm đau đầu các chủ CLB đó là sự xuất hiện nạn “kiêu binh”, không có khát vọng thi đấu của những vị trí trụ cột khi hệ thống dự bị thay thế cho họ quá ít và không đủ chất lượng.
Về lâu về dài, đấy là cuộc khủng hoảng của cả nền bóng đá. Việc hạn chế ngoại binh là ý đồ tốt của VFF khi qua đó, thúc đẩy cơ hội thi đấu của các cầu thủ Việt Nam đồng thời gây sức ép để các CLB tăng cường đào tạo các tuyến kế thừa. Thế nhưng, mục đích tốt đẹp này chưa đem lại nhiều chuyển biến vì với đa số đội bóng có đầu tư mạnh, họ vẫn nhắm vào thị trường chuyển nhượng để giải quyết các mục tiêu trước mắt hơn đầu tư chiều sâu về nhân sự.
Đây là một thực tế cần có giải pháp lâu dài bởi khá nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh bóng đá theo kiểu phát triển thương hiệu chứ chưa thực sự quan tâm đến thị trường bóng đá chuyên nghiệp. Lỗi không hoàn toàn thuộc về họ bởi bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hầu như không có doanh thu.
Một trong những CLB có đầu tư căn cơ nhất là Đồng Tâm Long An đang đối diện với nguy cơ phải xuống hạng. Họ hạn chế chi phí cho chuyển nhượng vì không chấp nhận giá quá cao, nhưng cũng vì thế lại không đủ người để duy trì sức mạnh. Sau khi bị đứng chót bảng xếp hạng ở lượt đi, ĐT.LA phải tung tiền để tuyển người nhưng cũng chẳng đem lại kết quả khả quan nào khi nguồn cung quá hạn chế với nhiều rào cản của các quy định về chuyển nhượng. 10 năm qua, ĐT.LA cũng cố gắng xây dựng 2-3 tuyến kế thừa nhưng không tìm ra được nhân tài thay thế Phan Văn Tài Em hay Nguyễn Minh Phương.
Nếu như trong tình huống xấu nhất, ĐT.LA phải xuống hạng vì không có đủ nhân sự để thi đấu, không biết họ có đủ kiên nhẫn để theo đuổi bóng đá chuyên nghiệp hay không khi trong tương lai gần, cuộc khủng hoảng thiếu nhân sự của bóng đá Việt Nam khó mà cải thiện.
TÂM VIỆT