Khuyến khích doanh nghiệp hành động xanh

Ở Việt Nam, ước tính có hơn 500.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đang hoạt động, như vậy mỗi ngày lượng rác thải được thải ra môi trường là rất lớn. Việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do xả thải từ các DNVVN đang trở thành thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách và của chính bản thân mỗi doanh nghiệp.
Khuyến khích doanh nghiệp hành động xanh

Ở Việt Nam, ước tính có hơn 500.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đang hoạt động, như vậy mỗi ngày lượng rác thải được thải ra môi trường là rất lớn. Việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do xả thải từ các DNVVN đang trở thành thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách và của chính bản thân mỗi doanh nghiệp.

        Nhỏ nên khó kiểm soát

Theo Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, các DNVVN không chỉ đóng góp hơn 40% vào GDP cả nước mà còn tạo ra hơn 1 triệu việc làm mới mỗi năm cho số lao động phần lớn chưa qua đào tạo, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực về kinh tế, sự lớn mạnh và phát triển không ngừng của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân thì DNVVN cũng là một trong những đối tượng gây ô nhiễm, suy thoái tài nguyên và gián tiếp gây biến đổi khí hậu (BĐKH) do mức hiệu quả sử dụng năng lượng thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng và tài nguyên trong quá trình sản xuất.

Với các doanh nghiệp dệt may, vấn đề môi trường chính là nước thải, nhất là khử màu nước thải. Trong khi ngành da giày lại sử dụng nhiều chất độc hại, các chất chứa kim loại nặng, tồn tại lớn nhất là chất thải rắn khó phân hủy như cao su, vụn xốp…

Cần tạo nhiều điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất xanh phát triển mạnh. (Kiểm tra nước thải tại hồ xử lý nước thải tại một nhà máy ở quận 12). Ảnh: CAO THĂNG

Cần tạo nhiều điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất xanh phát triển mạnh. (Kiểm tra nước thải tại hồ xử lý nước thải tại một nhà máy ở quận 12). Ảnh: CAO THĂNG

Theo ông Nguyễn Văn Tài, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, tuy tình trạng gây ô nhiễm môi trường của những doanh nghiệp này không cao nhưng lại diễn ra trên diện rộng, đa dạng về thành phần và tích tụ cao. Ô nhiễm môi trường do các DNVVN biểu hiện ở hầu hết các lĩnh vực, thành phần môi trường như nước thải sản xuất chưa qua xử lý hoặc chỉ xử lý sơ bộ; khí thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép; chất thải rắn chưa được quản lý đúng quy định.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo ông Nguyễn Văn Tài, bên cạnh vấn đề ý thức của người lao động còn do hầu hết công nghệ của các DNVVN đều lạc hậu, chắp vá. Đồng thời, các chủ doanh nghiệp này cũng ít chịu đầu tư chi phí để nâng cấp môi trường sản xuất. Công tác quản lý sản xuất cũng chưa chuyên nghiệp hoặc không tuân thủ các quy định pháp luật về vệ sinh lao động, thiếu các biện pháp an toàn, mặt bằng sản xuất chật hẹp và không tổ chức huấn luyện kiến thức bảo hộ lao động các chủ cơ sở sản xuất vừa và nhỏ. Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp này nằm xen kẽ giữa các khu dân cư nên việc giải quyết ô nhiễm rất phức tạp và tốn kém.

        Cần sự hỗ trợ của nhà nước

Để phù hợp với yêu cầu của thời đại mới, việc thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, đồng thời xây dựng và chuyển đổi qua hệ thống quản lý với kế hoạch hành động xanh, tạo lập cơ sở vững chắc đảm bảo yếu tố môi trường, hiệu quả trong sử dụng năng lượng, hạn chế phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp là một việc làm có ý nghĩa quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hiện tại.

Ông Teruya Saruta, Quản lý cấp cao thuộc Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết, ở Nhật Bản, để thực hiện nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp trong việc quản lý môi trường, bộ này đã triển khai chương trình hành động sinh thái 21. Đây là một phiên bản hướng dẫn để xây dựng một phương châm quản lý môi trường ở bất cứ loại hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ hoặc hoạt động văn phòng. Khi các doanh nghiệp có chứng chỉ hành động sinh thái trong hồ sơ kinh doanh sẽ nhận được nhiều ưu đãi vay vốn từ các ngân hàng.

Bằng chứng là nhiều viện tài chính đã thiết lập danh sách ưu thế cho các doanh nghiệp có chứng chỉ hành động sinh thái như Ngân hàng Mitsubishi Tokyo với chương trình “Sinh thái với hoạt động vay vốn”; Ngân hàng Shoko Chukin với chương trình “Quản lý thân thiện môi trường hỗ trợ vay vốn”. Mặt khác, Bộ Môi trường Nhật Bản cũng đã thiết lập việc công khai thông tin môi trường của doanh nghiệp trên website của bộ, bất kỳ người nào cũng có thể xem báo cáo môi trường và các hoạt động của doanh nghiệp.

Chia sẻ về vấn đề này, quản lý Văn phòng biến đổi khí hậu TPHCM cũng cho biết, các doanh nghiệp xanh thành công không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn góp phần quảng bá cho thương hiệu của họ. Phát triển một doanh nghiệp thân thiện với môi trường mang lại những lợi ích to lớn cho các chủ doanh nghiệp, những người đang mong muốn kiểm soát chi phí, thu hút khách hàng và kinh doanh có trách nhiệm hơn với xã hội và cộng đồng.

Để đạt được mục tiêu xây dựng kế hoạch hành động xanh của doanh nghiệp, đòi hỏi sự kết hợp của nhiều bên liên quan. Ở góc độ quản lý, các cơ quan nhà nước cần đưa ra những chính sách, chủ trương mang tính chất lâu dài xây dựng nền tảng cho kinh doanh xanh. Việc tìm cách ngăn chặn sự ô nhiễm từ các DNVVN không chỉ là công việc của các doanh nghiệp mà là công việc của toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan có thẩm quyền. Xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh với các chính sách mang tính đặc thù, công bằng sẽ là cơ sở để cải thiện ô nhiễm môi trường từ các DN này.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục