Kích hoạt sự năng động của các địa phương

Thông tin tại hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra cho thấy, trong 5 năm qua cả nước đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Riêng năm 2020, dù chịu nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng kinh tế nước ta vẫn duy trì tăng trưởng dương 2,91%.

Mặc dù không hoàn thành một số chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, nhưng năm 2020 vẫn được xem là năm thành công. Dù còn nhiều thách thức, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% và đặt mức tăng cao hơn nữa trong các chỉ tiêu về kinh tế. 

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thực sự bền vững. Việc làm của một bộ phận người dân chưa được đảm bảo, nhất là ở vùng nông thôn, khu vực nông nghiệp... Mặt bằng thu nhập vẫn còn thấp và thiếu ổn định, nhất là dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Dù nhiều địa phương tăng trưởng cao nhưng không phải địa phương nào cũng tìm được động lực tăng trưởng tương xứng với tiềm năng. 

Để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2021, một trong những nhiệm vụ cấp bách thời điểm hiện nay là chú trọng phục hồi, đón đầu cơ hội. Vai trò quan trọng của Trung ương là tiếp tục thực hiện đột phá cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng. Tuy vậy, vai trò của các địa phương cũng vô cùng quan trọng. Bởi, từng địa phương đều quyết tâm đạt tăng trưởng cao sẽ giúp tăng trưởng chung cao. Năm 2021, hàng loạt địa phương đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP cao như: Hà Nội khoảng 7,5%; Nghệ An 7,5-8,5%; Quảng Ninh 10%; Đồng Tháp 7%... Những con số thể hiện quyết tâm trên của các địa phương là rất đáng ghi nhận để cùng cả nước vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra cho năm 2021 cũng như tạo đà thuận lợi cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Như Thủ tướng đánh giá, vừa qua chúng ta đã chứng kiến những con số tăng trưởng ấn tượng của nhiều tỉnh, thành mới nổi bên cạnh các địa phương truyền thống. Có thể nói, chính sự tăng trưởng bứt phá của các địa phương mới nổi là nhân tố truyền cảm hứng cho nhiều địa phương khác tự tin vượt lên chính mình. 

Do đó, tăng trưởng năm 2021 cần được “kích hoạt” đồng bộ bằng sự tăng trưởng của nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong đó, cần đặc biệt tạo điều kiện để “kích hoạt” sự năng động của các địa phương mà giải ngân nhanh vốn đầu tư công là chìa khóa quan trọng. Bên cạnh đó, sự năng động, quyết đoán, dám làm của người đứng đầu đóng vai trò rất quan trọng. Người đứng đầu cần biết tận dụng lợi thế của địa phương, chủ động bố trí nguồn lực, triển khai kịp thời, phù hợp các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 (Nghị quyết 01) xác định thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Hơn lúc nào hết, các bộ ngành, địa phương cần bắt tay triển khai Nghị quyết 01 ngay từ ngày đầu năm 2021, cụ thể hóa nghị quyết bằng các chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện thật hiệu quả nhằm đạt mức tăng trưởng cao nhất.

Tin cùng chuyên mục