Kiềm chế thấp nhất những tác động của việc điều chỉnh giá một số đầu vào quan trọng, chặt chẽ hơn trong chi tiêu đang là những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ xác định nhằm hướng đến mục tiêu quan trọng nhất của năm nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, mức điều chỉnh giá điện, xăng dầu như vừa qua mới chỉ giảm bao cấp được một phần (điện giảm bao cấp khoảng 1/4, xăng dầu giảm khoảng 1/2). Như vậy, sẽ phải tiếp tục điều hành giảm bao cấp theo thị trường đối với xăng dầu trong năm 2011, giá điện đến hết năm 2012 mới thực hiện được theo cơ chế thị trường.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo quyết liệt, tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, phấn đấu tăng khoảng 7%-8% so với dự toán Quốc hội thông qua; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại của năm 2011. Khoản chi quan trọng là chi đầu tư công cũng sẽ được rà soát, sắp xếp theo hướng chặt chẽ hơn.
Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ rà soát, sắp xếp lại chi đầu tư công bao gồm cả vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư của doanh nghiệp nhà nước như: không kéo dài thực hiện các khoản vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2011; thu hồi về ngân sách trung ương những dự án chậm, không hiệu quả để bổ sung vốn cho các dự án, công trình hoàn thành năm 2011; không khởi công các dự án mới, trừ các dự án phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và các dự án trọng điểm quốc gia; giảm tối thiểu 10% tổng mức đầu tư từ nguồn vốn tín dụng nhà nước…
Liên quan đến nguồn vốn đầu tư, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc cho biết, khi xem xét vốn đầu tư sẽ tính đến các nguồn vốn đem ra đầu tư ở nước ngoài, bởi chuyển nguồn vốn ra nước ngoài trong giai đoạn hiện nay sẽ gây ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế. Trong việc điều chuyển cắt giảm vốn sẽ khuyến khích các địa phương tăng cường giải ngân các nguồn vốn ODA bởi đây là nguồn bổ sung ngoại tệ cho đất nước, giúp cân bằng nguồn ngoại tệ chung.
Chính sách thuế cũng được thiết kế nhằm đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, giảm nhập siêu. Trong đó sẽ xem xét miễn, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế nguyên liệu đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất, xuất khẩu đối với ngành hàng trong nước còn thiếu nguyên liệu (như dệt may, da giày, thủy sản, hạt điều, gỗ,…); tiếp tục hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào với hàng hóa thực xuất khẩu năm 2011; hạn chế cho vay, đồng thời sử dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, xa xỉ…
“Nợ công của chúng ta đang rất an toàn. Tầm quốc gia không có khoản nào chưa trả được. Trong vòng 10 năm vẫn nằm trong vòng an toàn” - Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định.
Ngọc Quang
Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda: Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát Chiều qua, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu và ông Haruhiko Kuroda, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã chủ trì cuộc họp báo về công tác chuẩn bị Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB tổ chức tại Việt Nam sẽ diễn ra vào đầu tháng 5. Trả lời câu hỏi của PV Báo SGGP về nhận định các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vừa được Chính phủ Việt Nam đưa ra, ông Kuroda cho biết: Tôi đánh giá rất cao quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực kiềm chế lạm phát trong bối cảnh hiện nay. Những nỗ lực này sẽ phát huy tác dụng trong việc kiềm chế lạm phát, giúp nền kinh tế Việt Nam trở nên cân đối hơn, bền vững hơn. - PV: Thưa ông, liệu việc giảm tổng cầu để kiềm chế lạm phát có khiến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam giảm xuống? >> Ông KURODA: Với các giải pháp mạnh mẽ đang được triển khai, nếu được thực hiện tốt, mục tiêu kiềm chế lạm phát, bình ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2011 là có thể đạt được. Tuy tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại, nhưng về trung hạn và dài hạn, tốc độ tăng trưởng sẽ vẫn tăng lên chứ không giảm xuống, với điều kiện là phải duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô. - Nếu tăng trưởng giảm xuống, hình ảnh của nền kinh tế Việt Nam có bị ảnh hưởng trong mắt các nhà đầu tư? Tôi không nghĩ hình ảnh của nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng gì trong mắt các nhà tài trợ và các nhà đầu tư nước ngoài vì các bạn đã ổn định được kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát. Tôi rất lạc quan về tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tôi chắc các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng chia sẻ quan điểm này. B.Minh |