Câu chuyện trường chuẩn quốc gia quá tải về sĩ số chưa lắng xuống thì nay dư luận lại một lần nữa băn khoăn trước mục tiêu đến năm 2020, 100% số cơ sở dạy nghề trên cả nước đều được kiểm định về chất lượng và công nhận các danh hiệu đạt chuẩn do Bộ LĐTB-XH phối hợp cùng Tổng cục Dạy nghề thực hiện. Băn khoăn vì hai lẽ:
Thứ nhất, theo báo cáo của Tổng cục Dạy nghề, sau hơn 3 năm triển khai thí điểm kiểm định (2008-2010), cả nước mới có 76/1.299 cơ sở dạy nghề được kiểm định chất lượng, đạt tỷ lệ 5,9%. Trong đó, có 53 cơ sở dạy nghề được công nhận đạt chuẩn cấp độ 3, 15 cơ sở đạt chuẩn cấp độ 2 và 8 cơ sở đạt chuẩn cấp độ 1. Trong khi đó, ước tính đến năm 2020, cả nước sẽ có 230 trường cao đẳng nghề, 310 trường trung cấp nghề và hơn 1.500 trung tâm dạy nghề ở các quận, huyện.
Như vậy, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, 100% số cơ sở dạy nghề được kiểm định chất lượng được thì trung bình mỗi năm phải có thêm ít nhất 190 cơ sở dạy nghề được kiểm định, gấp 2,5 lần tổng số cơ sở đã được kiểm định chất lượng trong vòng 3 năm qua. Điều đó gần như là bất khả!
Thứ hai, hiện nay chúng ta vẫn chưa có chính sách khuyến khích các cơ sở dạy nghề tham gia kiểm định chất lượng khiến nhiều nơi, các trường chưa mặn mà với công tác kiểm định. Trên thực tế, trong 3 năm qua, hầu hết các trường tham gia kiểm định đều dựa trên tinh thần tự nguyện.
Hiệu phó một trường cao đẳng nghề từng tham gia kiểm định cho biết, sau khi kiểm định, ngoài tấm giấy chứng nhận đạt chuẩn, các trường không nhận được thêm bất kỳ sự hướng dẫn, hỗ trợ nào từ phía các cơ quan chức năng, từ định hướng tăng, giảm chỉ tiêu tuyển sinh, đặc ân vay vốn đào tạo, bồi dưỡng trình độ cán bộ đến các chính sách ưu tiên về xuất khẩu lao động, đấu thầu đơn đặt hàng lao động…
Do đó, kiểm định chẳng qua cũng chỉ là việc “làm cho có”, chưa thật sự phát huy được hiệu quả như mục tiêu ban đầu đặt ra. Nhiều nơi còn có tư tưởng né tránh do tâm lý kiểm định xong rồi cũng không được gì, mà không kiểm định cũng chẳng bị ai “sờ gáy”.
Trên thực tế, mục tiêu kiểm định các cơ sở đào tạo nghề, bao gồm cả công lập và dân lập là để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho cuộc chạy đua tuyển sinh giữa các đơn vị. Nhìn rộng hơn, việc làm này còn nhằm mục đích định hướng chuẩn đào tạo và chuẩn đầu ra cho học viên, góp phần quyết định chất lượng lao động của đất nước.
Tại nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, kiểm định chất lượng từ lâu đã trở thành công tác thường xuyên, gần như là bắt buộc để đảm bảo chất lượng đào tạo. Đồng thời đây cũng được xem là yêu cầu của chính người học, những người đã bỏ tiền ra mua dịch vụ đào tạo nên họ có quyền được biết sẽ thụ hưởng chất lượng đào tạo như thế nào.
Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh việc thiếu các chính sách về quản lý và thực thi công tác kiểm định, ngay cả đội ngũ kiểm định viên – lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong việc hoàn thành kiểm định ở nước ta cũng còn rất thiếu và yếu. Hầu hết các kiểm định viên hiện nay đều được huy động từ chính các cơ sở đào tạo nghề, tuy có kinh nghiệm về giảng dạy và quản lý trường học nhưng lại thiếu các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công tác kiểm định.
Từ tất cả những tồn tại nói trên, mục tiêu đến năm 2020 cả nước hoàn thành công tác kiểm định trường nghề xem ra rất khó thực hiện. Nếu không làm một cách quyết liệt, có chiều sâu, trong đó đặc biệt chú trọng công tác đầu tư, đào tạo đội ngũ kiểm định thì mục tiêu nói trên gần như là điều không tưởng.
Thu Tâm