• Cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên
(SGGPO).- Sáng nay, 17- 4, dự án Luật Quảng cáo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, qua cân nhắc ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, UB tán thành giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo. Các bộ và Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo chức năng của mình như quy định trong Dự thảo Luật.
Về các sản phẩm cấm quảng cáo, ông Thi nhận định: Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, việc quảng cáo rượu vang và rượu mạnh phải tuân thủ các quy định của Nhà nước trên cơ sở không phân biệt đối xử. Để đảm bảo nguyên tắc này, không làm ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của Việt Nam và để người tiêu dùng có ý thức cao hơn về tác hại khi lạm dụng rượu, Dự thảo Luật đã quy định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch quảng cáo ngoài trời, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa về nội dung và nguyên tắc quy hoạch quảng cáo ngoài trời, cụ thể là bổ sung thêm một số nguyên tắc xây dựng quy hoạch như: phải đảm bảo tính ổn định, kế thừa quy hoạch đã có sẵn; quan tâm đến điểm tiếp giáp giữa các tỉnh để đảm bảo thống nhất, hài hòa giữa các địa phương; trong trường hợp thực hiện hoặc điều chỉnh quy hoạch gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân, phải có trách nhiệm đền bù; phải lấy ý kiến các ban, ngành liên quan và nhân dân trước khi phê duyệt quy hoạch và phải công khai quy hoạch đã phê duyệt. Dự thảo lần này cũng đã bổ sung quy định thời gian cụ thể các tỉnh phải hoàn thành quy hoạch quảng cáo là 12 tháng sau khi luật này có hiệu lực; phải niêm yết văn bản quy hoạch tại trụ sở UBND các cấp và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Để tránh quy hoạch mang tính cát cứ địa phương, thiếu thống nhất trong cả nước, Dự thảo mới đã bổ sung khoản 2 Điều 38 quy định về trách nhiệm của Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật về phương tiện quảng cáo ngoài trời và phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông - Vận tải và các bộ có liên quan hướng dẫn các địa phương quy hoạch quảng cáo.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước ghi nhận, dự thảo Luật Quảng cáo trình lần này có rất nhiều điểm mới so với trước. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị bổ sung vào dự luật điều khoản cấm những quảng cáo có nội dung bất bình đẳng giới.
Tại kỳ họp trước, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về việc có quá nhiều quảng cáo mà trong đó chỉ thấy có người phụ nữ giặt giũ, quét nhà, chăm sóc con cái, còn đàn ông tất thảy đều ngồi xe hơi bóng lộn, cầm điện thoại đắt tiền…, tạo nên ý niệm sai lệch về vị trí và phân công trách nhiệm trong xã hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở. Ngay sau đó, đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã tiếp thu ý kiến này.
Tham dự phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến nhận xét, hiện có nhiều quảng cáo về khám bệnh, chữa bệnh quá thổi phồng sự thật. Tôi biết một số bác sĩ chuyên mổ thương binh thành liệt sĩ mà cũng mở cơ sở giải phẫu thẩm mỹ, quảng cáo rùm beng, Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến nhận xét một cách hài hước. Ông đề nghị, các cơ sở khám, chữa bệnh (kể cả cơ sở dịch vụ thẩm mỹ) phải có giấy phép mới được quảng cáo, nội dung quảng cáo phải do cơ quan quản lý chuyên môn thẩm định. Các sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em cũng cần được kiểm soát chặt chẽ để khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa thì cho rằng, bên cạnh danh mục sản phẩm, dịch vụ cấm quảng cáo, dự luật vẫn cần bổ sung một số loại sản phẩm hạn chế quảng cáo, cụ thể như bia và một số loại dịch vụ y tế…
Tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu cơ quan soạn thảo – thẩm tra xem xét bổ sung điều khoản hạn chế quảng cáo một số loại sản phẩm đặc biệt trong ngành y tế, thực phẩm; nghiên cứu, giải trình về thời lượng tối đa được quảng cáo trên các kênh truyền hình, đặc biệt là truyền hình trả tiền; chú trọng việc quy định về tổ chức và quy chế hoạt động của Hội đồng liên ngành thẩm định các sản phẩm, dịch vụ quảng cáo.
ANH PHƯƠNG