Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về báo cáo nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Trong đó có đánh giá đáng chú ý của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện là: “Ở các nước khác thì 90% số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, còn ở Việt Nam thì chỉ có nhân dân, báo chí phát hiện; qua thanh tra, kiểm toán rất hạn chế”. Là người có nhiều kinh nghiệm trong ngành tài chính, từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội khóa XI và nay là Chủ tịch Hội Kế toán - Kiểm toán Việt Nam (VAA), PGS-TS Đặng Văn Thanh, cho rằng:
PGS-TS Đặng Văn Thanh
Hoạt động kiểm toán không hoàn toàn giống hoạt động thanh tra. Kiểm toán có chức năng kiểm tra, đánh giá và xác nhận mức độ tin cậy của thông tin tài chính. Đối với KTNN, đó là độ tin cậy của thông tin tài chính nhà nước làm căn cứ để Quốc hội, HĐND quyết định tài chính nhà nước, ngân sách nhà nước. Tất nhiên, theo quy định của luật pháp, KTNN có nhiệm vụ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân và cơ quan khác có thẩm quyền xem xét, xử lý những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua kiểm toán.
Theo báo cáo của Tổng KTNN, trong 5 năm (2011 - 2015) KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 101.037 tỷ đồng, bằng 55% số tiền kiến nghị trong 21 năm của KTNN (184.486 tỷ đồng). Đây là số tiền lớn của những sai phạm và sai sót trong hoạt động tài chính nhà nước, rất cần chỉ rõ nguyên nhân và cần được chấn chỉnh.
- Phóng viên: Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, chất lượng báo cáo của một số cuộc kiểm toán còn hạn chế, tỷ lệ thực hiện kiến nghị của KTNN hàng năm chưa cao, một số kết luận chưa sát với thực tế, thiếu bằng chứng thuyết phục nên có những kiến nghị của KTNN không được thực hiện do các đơn vị, địa phương được kiểm toán chưa nhất trí với kết quả kiểm toán hay KTNN cũng không đề xuất kỷ luật được ai. Ông nghĩ sao về những tồn tại này?
>> PGS-TS ĐẶNG VĂN THANH: Đúng là cho đến nay chất lượng hoạt động kiểm toán, chất lượng báo cáo một số cuộc kiểm toán chưa cao, chưa hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. Nhưng cần nhìn nhận và đánh giá kết quả và những đóng góp của KTNN trên nhiều khía cạnh, trước hết là cung cấp đánh giá, thông tin tin cậy cho các quyết định của Quốc hội và HĐND, là những đóng góp vào sự lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong hoạt động ngân sách nhà nước. Ý kiến của KTNN là những kết luận có bằng chứng được thu thập và đánh giá. Tất nhiên cũng có những ý kiến của kiểm toán chưa được các đơn vị được kiểm toán chấp nhận, đó có thể là quan điểm, cách hiểu không thống nhất về một quy định, một hoạt động. Việc không thực hiện kết luận và kiến nghị của KTNN là vi phạm pháp luật. Đơn vị được kiểm toán có quyền khiếu nại về đánh giá, kết luận và kiến nghị của KTNN nhưng phải có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ kết luận và kiến nghị kiểm toán của KTNN.
- Đâu là lý do khiến cho việc phát hiện tham nhũng thông qua kiểm toán còn hạn chế, thưa ông?
Với chức năng kiểm tra, đánh giá và xác nhận độ tin cậy của thông tin tài chính, hoạt động KTNN không những phát hiện sai sót và gian lận trong hoạt động tài chính nhà nước, xác định trách nhiệm của cá nhân và tập thể đối với các sai phạm, còn chỉ ra những yếu kém, sơ hở trong quản lý tài chính nhà nước. Thông qua đó, hoạt động KTNN tham gia và góp phần phòng ngừa, chống tham nhũng. Tất nhiên, để phòng chống tham nhũng hiệu quả rất cần các kiểm toán viên có năng lực, bản lĩnh. Tuy nhiên, cần phải hiểu, KTNN không có nhiệm vụ, quyền điều tra, xử lý các vụ việc mà chỉ có trách nhiệm kiến nghị, xác định trách nhiệm sai phạm và chuyển hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đến các cơ quan có trách nhiệm điều tra, xử lý.
- Sai phạm nhiều chưa được ngăn ngừa có phải do hoạt động kiểm toán chủ yếu đi vào kiểm toán ngân sách, kiểm toán hoạt động còn nhiều hạn chế nhất định. Do vậy chưa kiến nghị làm sao kiểm tra, kiểm soát nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, thưa ông?
Đúng là thời gian qua, do mới thành lập và lực lượng có hạn, nên KTNN tập trung chủ yếu vào kiểm toán báo cáo tài chính, trong đó có kiểm toán báo cáo tài chính nhà nước phục vụ Quốc hội và HĐND quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương. Kiểm toán tuân thủ được thực hiện đồng thời trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính. Kiểm toán hoạt động triển khai chưa nhiều. Chính vì vậy, kiểm toán chưa góp phần một cách tích cực trong việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong các quyết định huy động phân bổ và sử dụng nguồn lực của nhà nước.
- Có những ý kiến cho rằng, về mặt chuyên môn, kiểm toán có thể xác định được các sai phạm nhưng đến khi kết luận, nhiều sai phạm đã bị “mờ” đi nhiều. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi cho rằng không hoàn toàn như vậy. Trong hoạt động kiểm toán, các ý kiến kết luận phải dựa trên bằng chứng kiểm toán. Đó là những bằng chứng được thu thập tương đối đầy đủ, toàn diện và được đánh giá đảm bảo đủ tin cậy. Không thể đưa ra ý kiến kiểm toán khi không có đủ bằng chứng kiểm toán cần thiết hoặc không tin cậy hay độ tin cậy thấp. Vì vậy, ý kiến cuối cùng của kiểm toán có thể có độ vênh nhất định với những thông tin hoặc cảm nhận ban đầu của kiểm toán viên. Tất nhiên, cá biệt có kiểm toán viên vi phạm đạo đức công chức, đạo đức nghề nghiệp hoặc không đủ bản lĩnh, dũng khí đã đưa ra ý kiến không đúng với những bằng chứng kiểm toán đã thu thập, đánh giá. Thậm chí có kiểm toán viên đã vì lợi ích cá nhân xuyên tạc hoặc làm méo mó kết luận kiểm toán. Đó là những hành vi đáng bị lên án, trừng trị và phải đưa ra khỏi độ ngũ kiểm toán.
- Ông đánh giá sao về năng lực của các cán bộ KTNN hiện nay?
Có thể nói, qua hơn 20 năm hoạt động, đội ngũ cán bộ KTNN, trong đó có đội ngũ kiểm toán viên nhà nước đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Từ vài trăm cán bộ ban đầu, đến nay đã có hàng ngàn người với cơ cấu khá đa dạng. Trong đó có hơn 1.500 kiểm toán viên được đào tạo cơ bản, có đủ năng lực cần thiết. Phần lớn kiểm toán viên nhà nước có trình độ nghiệp vụ cao, có phẩm chất đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, so với yêu cầu và nhiệm vụ, yêu cầu phát triển thì đội ngũ cán bộ kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước vẫn đang thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Phải nói rằng, nguồn nhân lực kiểm toán là yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng hoạt động kiểm toán. Chất lượng cán bộ KTNN, đặc biệt là kiểm toán viên nhà nước được đo lường bởi nhiều tiêu chí và chịu tác động của nhiều nhân tố cả khách quan và chủ quan. Để nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm toán viên cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó trước hết là Tổng KTNN. Các kiểm toán viên phải là những công chức tuân thủ và tôn trọng luật pháp, giữ vững kỷ cương kỷ luật, là những chuyên gia chuyên nghiệp có nghiệp vụ sắc sảo, có năng lực cao trong thực hiện nhiệm vụ, có lòng tự trọng, có bản lĩnh nghề nghiệp, có đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp.
Chính vì vậy, KTNN cần quan tâm đổi mới tất cả các khâu từ tuyển dụng, sắp xếp, bố trí cán bộ, xây dựng cơ cấu đội ngũ kiểm toán viên, có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá kiểm toán viên và có chính sách khen thưởng kỷ luật, đãi ngộ thỏa đáng. Cùng với đó là có cơ chế kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán, kiểm soát đạo đức của kiểm toán viên, phát huy và đề cao vai trò của tổ chức nghề nghiệp trong quản lý và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên.
- Xin cảm ơn ông!
NGỌC QUANG (thực hiện)