Kiểm soát nhập khẩu, tăng tốc xuất khẩu

Theo Bộ Công thương, nhập siêu tháng 9 ước khoảng 1,05 tỷ USD, tương đương 17,2% kim ngạch xuất khẩu và tính chung 9 tháng, nhập siêu ở mức 8,6 tỷ USD, bằng 16,7% kim ngạch xuất khẩu. Đây là con số khá ấn tượng vì mục tiêu năm nay và so với các năm trước thường tỷ lệ nhập siêu duy trì bằng 20% kim ngạch xuất khẩu.

Để đạt được tỷ lệ nhập siêu chỉ bằng 16,7% so với kim ngạch xuất khẩu trong bối cảnh nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ (như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 11,6%; xăng dầu tăng 4%; sắt thép tăng 11,2%; vải tăng 26%...), công đầu tiên thuộc về hoạt động xuất khẩu. Điều này đạt được là do từ tháng 5 tới nay kim ngạch xuất khẩu đạt nhiều kết quả khả quan, bình quân 9 tháng đầu năm đạt 5,72 tỷ USD/tháng - mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2009, tương đương 9,7 tỷ USD.

Xét theo cơ cấu, đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) có tỷ trọng lớn nhất khi xuất khẩu của khu vực này ước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 40,1% so với cùng kỳ năm 2009, tương đương giá trị tuyệt đối là 6,77 tỷ USD.

Trong 9 tháng có 13 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như dệt may đạt 8 tỷ USD, tăng 20,6%; giày dép: 3,6 tỷ USD, tăng 23,1%; thủy sản: 3,4 tỷ USD, tăng 13%...

Đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng qua phải kể do giá một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực nước ta tăng cao, như cao su tăng 83%, sắn và sản phẩm sắn tăng 76,4%, than đá 52%, dầu thô 39,6%, hạt tiêu tăng 38,4%… Theo tính toán, việc tăng giá các mặt hàng đã làm tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,5 tỷ USD.

Nhìn chung, hoạt động xuất nhập khẩu nước ta năm 2010 đã từng bước được cải thiện, nếu như hết quý 1, xuất khẩu chỉ tăng 1,6% trong khi nhập khẩu tăng tới 40,2%, hết quý 2 xuất khẩu tăng 17%, nhập khẩu tăng 29,1%, và đến hết quý 3 tốc độ tăng xuất khẩu đã cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu (xuất khẩu tăng 23,2%, nhập khẩu tăng 22,7%). Với việc 9 tháng xuất khẩu đã đạt được 85,8% kế hoạch năm (60 tỷ USD) và tình hình quý 4 được dự báo khả quan, theo nhìn nhận của các chuyên gia, chắc chắn năm nay xuất khẩu sẽ vượt xa kế hoạch.

Những con số khả quan của hoạt động xuất khẩu đã khiến cho tỷ lệ nhập siêu 9 tháng chỉ còn 16,7% nên khả năng tỷ lệ nhập siêu của cả năm không vượt 20% nằm trong tầm kiểm soát. Như vậy, có thể thấy các chỉ tiêu về hoạt động xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu sẽ hoàn thành, thậm chí vượt kế hoạch đề ra. Song để có thể kiểm soát nhập siêu ở mức hợp lý (và đạt tỷ lệ nhập siêu ở mức 14% - 15% vào năm 2015 như mục tiêu của Chính phủ), rõ ràng vẫn còn rất nhiều việc phải làm vì nguồn gốc dẫn đến nhập siêu vẫn chưa được khắc phục triệt để (đó là sự lệ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên - nhiên - vật liệu để phục vụ sản xuất).

Một yếu tố cũng không thể chủ quan là những tháng cuối năm, nhập khẩu thường tăng cao, vì vậy vẫn cần tiếp tục kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ, đồng thời khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, chúng ta cần tận dụng các hiệp định song phương (FTA) đã ký để đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài ra, các dự án sử dụng vốn nhà nước cần quán triệt chỉ thị của Thủ tướng về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu, thi công các dự án đầu tư nhằm hạn chế nhập khẩu.

Ngọc Quang

Tin cùng chuyên mục