Kiểm soát tài sản

Tại các cuộc tiếp xúc đại biểu Quốc hội mới đây, nhiều cử tri bức xúc, chất vấn các đại biểu Quốc hội về thực trạng “giàu lên bất thường” của một vài cán bộ đã nghỉ hưu, kể cả cán bộ đương chức cấp bộ. Cử tri đặt vấn đề, việc không phát hiện tài sản bất minh, bất thường của cán bộ, nhất là tình trạng “lúc đương chức không phát hiện ra, nghỉ hưu rồi mới thấy khối tài sản lớn” của một số cán bộ cấp cao đang có xu hướng tăng lên, cho thấy nhiều sơ hở trong các quy định pháp luật cũng như trong cách thức kiểm soát tài sản cán bộ.

Minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Những năm qua, việc kê khai, công khai kiểm soát tài sản cán bộ từng bước được thực hiện, đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với các thủ đoạn che giấu tài sản bất minh ngày càng tinh vi thì việc kiểm soát tài sản còn mang tính hình thức, chưa bao quát hết, chủ yếu dựa vào tính tự giác của mỗi người. Quá trình thực hiện cho thấy còn nhiều lỗ hổng về mặt pháp lý. Những quy định liên quan đến thu nhập về tặng quà, nhận quà và nộp lại quà, hay phân biệt đâu là quà tặng, đâu là quà hối lộ còn nhiều điều chưa rõ ràng, chặt chẽ, nên không thể kiểm soát và xử lý đúng người, đúng việc.

Hiện nay, chúng ta chưa có quy định pháp luật về hành vi và tội phạm làm giàu bất chính, chưa có giải pháp cụ thể để xác định giá trị tài sản kê khai, chưa có quy định pháp luật đối với cán bộ nghỉ hưu phải kê khai và chưa có biện pháp chế tài nào đối với tài sản không kê khai, hoặc kê khai không trung thực.

Điều đáng quan tâm hơn cả là chúng ta chưa có cơ chế rõ ràng, hành lang pháp lý đủ rộng để huy động đông đảo người dân tham gia vào việc kiểm soát tài sản của cán bộ. Theo quy định, công khai bản kê khai tài sản cán bộ chỉ trong phạm vi hẹp, chứ không công khai tại nơi cán bộ đó cư trú. Chính quy định này vô tình làm giảm đi vai trò giám sát vô cùng quan trọng của quần chúng nơi cư trú. Tại cơ sở, nhân dân thường giám sát cán bộ bằng các hình thức như góp ý trực tiếp trong cuộc họp tổ dân phố, gửi thư tới cơ quan Nhà nước, gửi tài liệu cho báo chí, góp ý tại các cuộc tiếp xúc đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân TP hay các cuộc họp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể.

Ở nơi cư trú, dù quần chúng không có điều kiện điều tra, nắm bắt rõ ngọn ngành vụ việc nhưng lại biết khá chính xác bằng trực quan, định tính như “thấy giàu lên nhanh chóng”, “thấy có nhiều nhà”, “thấy ăn chơi hoang phí, thiếu lành mạnh”, “thấy các mối quan hệ với nhiều loại người phức tạp”, “thấy con cái hư hỏng, mắc tệ nạn”... Tất nhiên, những quan sát này chưa thể quy kết đó là sai phạm, nhưng trong nhiều trường hợp, đó cũng là những chứng cứ cần thiết để các cơ quan chức năng tìm ra manh mối các vụ phạm tội mà việc giám sát, kiểm tra của các cơ quan Đảng, Nhà nước không phát hiện ra.

Ở địa phương, khi không còn hội đồng nhân dân quận và phường, vai trò của Mặt trận Tổ quốc vô cùng quan trọng vì đây là nơi để các tầng lớp nhân dân cung cấp thông tin, bày tỏ tâm tư nguyện vọng, trao đổi và bàn bạc những vấn đề của đời sống, tham gia giám sát, phản biện xã hội, trong đó có giám sát hoạt động của cán bộ, kiểm soát tài sản cán bộ ở nơi cư trú. Để làm được điều này cần phải xây dựng cơ chế để nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc thực hiện quyền giám sát, phản biện một cách thực chất.

Giải pháp bao trùm hơn và sâu xa hơn, cần trao cho các tổ chức nhân dân giám sát quyền lực của cán bộ. Những vụ tham ô tài sản và việc không kiểm soát được tài sản cán bộ một phần là do chưa làm tốt công tác giám sát đối với người có quyền lực. Trong thể chế hiện nay cho thấy một nghịch lý: người càng có quyền lực lớn dường như lại chịu sự giám sát, quản lý càng ít. Thông thường, khi quyền lực quá tập trung và không bị kiểm soát chặt chẽ sẽ tạo cơ hội cho một số người nắm quyền lực tự do lạm quyền, tham ô tài sản, khiến cho cái giá sửa chữa sai lầm do lạm dụng quyền lực là vô cùng lớn.

Việc giám sát của các cơ quan dân cử và Mặt trận Tổ quốc tuy có tính rộng rãi, thậm chí có uy quyền nhưng chủ yếu giám sát về nguyên tắc chứ không mang tính đồng bộ và nhất quán, nhất là khi đụng đến những vụ việc cụ thể. Còn hình thức giám sát cộng đồng, giám sát dư luận hiện nay đều chưa phát huy hết tác dụng vì chưa có cơ chế rõ ràng, thiếu tính cưỡng chế tương ứng. Hệ quả là quyền giám sát và quyền được giám sát bị mất cân đối nghiêm trọng, từ đó không phát huy được vai trò của giám sát và tập hợp nhân dân tham gia giám sát. Buông lỏng giám sát quyền lực cũng chính là buông lỏng giám sát tài sản, thu nhập của cán bộ - một trong những nguyên nhân làm cho nạn tham nhũng không ngừng gia tăng.

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục