Trái cây là sản phẩm mà người tiêu dùng phải mua, sử dụng hàng ngày. Thế nhưng, có một tình trạng là lâu nay, người tiêu dùng vẫn có tâm lý sính mua hàng ngoại, trái cây nhập khẩu. Do phải nhập khẩu, trải qua quá trình bao gói, bảo quản, vận chuyển đường dài… nên mức chi phí khá cao, giá bán cũng đắt, vậy nhưng người tiêu dùng cũng không ngại bỏ tiền mua.
Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng nói rằng sẵn sàng bỏ ra giá đắt để mua trái cây nhập từ phương Tây không phải vì sính hàng ngoại mà vì tin tưởng với nền khoa học công nghệ tiên tiến, các tiêu chuẩn và quy trình sản xuất sạch, hiện đại, việc quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, trái cây ngoại đảm bảo an toàn vệ sinh, không có dư lượng thuốc bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng - những thứ luôn đe dọa tới sức khỏe và tính mạng người sử dụng.
Đồng thời, khách hàng cũng thường e ngại các sản phẩm trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc không đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Nắm được tâm lý đó, hiện nay tư thương cũng như doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh trái cây tìm cách thay đổi bao bì, tem nhãn trái cây nước ngoài, cố tình gian lận thương mại để đánh lừa người tiêu dùng. Trái cây Trung Quốc nhập khẩu thường tiêu thụ chậm, giá rẻ nên các tư thương vô tư dán lên các tem mác “xịn”. Nhiều người tiêu dùng đã gặp tình trạng trái cây mua với giá đắt nhưng khi bổ ra, ruột bị héo thối hoặc để cả tháng vẫn còn tươi non.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là làm sao kiểm soát và phân loại được nguồn gốc các loại trái cây nhập khẩu khi vào Việt Nam. Bao nhiêu năm nay, chúng ta buông lỏng, thả nổi kiểm soát nguồn gốc cũng như chất lượng trái cây. Mỗi khi xảy ra sự cố, các cơ quan chức năng mới lại thu thập mẩu để kiểm tra phân tích, rồi cũng chẳng rõ trách nhiệm thuộc cơ quan nào. Điều đó đồng nghĩa với việc để mặc tính mạng cũng như sức khỏe của người tiêu dùng trước nguy cơ các loại nông sản nhập khẩu nhiễm độc, không đảm bảo chỉ tiêu an toàn thực phẩm.
Một trong những nguyên nhân để thả nổi việc kiểm soát trái cây, nông sản nhập khẩu là không quy định rõ trách nhiệm giữa Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và Bộ Y tế về kiểm soát an toàn thực phẩm. Do đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nói rằng, khi Luật An toàn thực phẩm đi vào cuộc sống, có thể tình trạng chồng chéo giữa các bộ vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, nhưng bằng việc quy định rõ ràng trách nhiệm cho Bộ NN-PTNT về kiểm soát chất lượng các loại hàng hóa nông sản cả trong nước lẫn nhập khẩu, chắc chắn việc quản lý và thực thi sẽ thuận lợi hơn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, từ ngày 1-7, việc kiểm tra các cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản, kiểm soát các mặt hàng nông sản nhập khẩu sẽ liên tục chứ không còn kiểu theo từng đợt, khi hồ nghi có sự cố mới tiến hành như trước đây. Bộ NN-PTNT cũng sẽ phân loại các doanh nghiệp theo tiêu chuẩn A, B, C. Trong đó, những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh xếp loại C sẽ được yêu cầu khắc phục ngay các vi phạm nếu không muốn bị rút giấy phép, đình chỉ, thậm chí có thể đề nghị khởi tố hình sự.
Đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu, việc đầu tiên là quản lý hồ sơ nguồn gốc. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, truy xuất nguồn gốc, quản lý hồ sơ, lai lịch của các mặt hàng trái cây cũng như nông sản nhập khẩu nói chung chính là điều kiện để ràng buộc trách nhiệm của không chỉ các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản trong nước mà cả trách nhiệm của các đối tác nước ngoài. Còn ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, khẳng định, bằng việc quy định khai báo nguồn gốc đối với nông sản nhập khẩu, khi có sự cố cơ quan chức năng nước ta có thể truy xuất sang tận cơ sở sản xuất của nước sở tại, yêu cầu khắc phục; nếu không khắc phục được thì không cho phép doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu.
Văn Phúc