Cho dù đã từng giữ trọng trách Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương, và nay đã nghỉ hưu, nhưng ông Vũ Huy Hoàng vẫn sẽ phải trả giá cho những vi phạm nghiêm trọng trong thời gian đảm nhiệm chức vụ. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã quyết nghị phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng. Quốc hội cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Thông tin đó được cử tri cả nước quan tâm, ghi nhận tinh thần và thái độ nghiêm túc, cùng các biện pháp thỏa đáng của Quốc hội đưa ra để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Các biện pháp đó là cần thiết để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thực tế trong bộ máy quản lý nhà nước đã có một bộ phận CBCCVC suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, lạm dụng quyền lực, quyền hạn để vơ vét, tham nhũng, kéo bè kết cánh, chia chức quyền cho con cháu, người thân.
Để không có những trường hợp như ông Vũ Huy Hoàng, các biện pháp Quốc hội vừa đưa ra rất khả thi, đáp ứng đúng sự mong mỏi và kỳ vọng của nhân dân. Quốc hội yêu cầu tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của CBCCVC, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về CBCCVC, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của CBCCVC, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã lưu ý: “Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái. Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng”. Do vậy, phải dồn sức khắc phục được những yếu kém đó trong bộ máy quản lý nhà nước và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật thì mới có thể ngăn chặn và xử lý dứt điểm các vụ việc CBCCVC vi phạm trong thực thi quyền lực.
Để CBCCVC, đặc biệt là người đứng đầu không suy thoái, lộng quyền, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm việc theo tư duy nhiệm kỳ, chạy theo thành tích, mặc người kế nhiệm giải quyết hậu quả mình để lại, thì những sai phạm trong thời gian đảm nhiệm chức vụ phải bị truy cứu, xử lý nghiêm minh, không thể ung dung “hạ cánh an toàn”. Do vậy, cùng với việc xử lý CBCCVC vi phạm pháp luật theo các quy định của pháp luật, Quốc hội đã chỉ ra nhiệm vụ cấp thiết là “Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của CBCCVC, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”. Trước mắt, rất mong Quốc hội sớm bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bổ sung quy định về các hình thức xử lý đối với CBCCVC đã nghỉ hưu nhưng bị phát hiện các sai phạm trong thời gian đương chức.
HUỲNH THANH LUÂN