Kiểm tra sức khỏe tài xế mới chỉ là bước đầu

Cần thiết và chính đáng
Kiểm tra sức khỏe tài xế mới chỉ là bước đầu

Yêu cầu mới đây của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về kiểm tra sức khỏe đối với các tài xế kinh doanh vận tải trên toàn quốc ít nhiều cho thấy, hiện vẫn thiếu một bộ tiêu chuẩn sức khỏe cho những người chọn nghề này mưu sinh.

Cần kiểm tra sức khỏe với người lái xe kinh doanh vận tải. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Cần kiểm tra sức khỏe với người lái xe kinh doanh vận tải. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Cần thiết và chính đáng

Theo tinh thần Công văn số 2049/BGTVT-VT do Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ban hành mới đây, một trong những nội dung đáng chú ý là quy định về việc kiểm tra sức khỏe của tài xế kinh doanh vận tải trên toàn quốc. Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu các sở GTVT các tỉnh thành phối hợp với cơ sở y tế địa phương rà soát và khám sức khỏe cho toàn bộ tài xế kinh doanh vận tải, chậm nhất đến hết ngày 30-4 phải hoàn tất.

Trong đó, Tổng cục Đường bộ chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình và báo cáo lên Bộ GTVT trước ngày 31-5. Các trọng tâm rà soát lần này là về số lượng lái xe không đủ sức khỏe, số lượng lái xe nghiện ma túy. Các sở GTVT phải yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải chủ động đăng ký khám sức khỏe cho đội ngũ lái xe của mình và báo cáo kết quả về sở chậm nhất trước ngày 20-4.

Theo Bộ GTVT, mục đích của cuộc tổng rà soát này là để đào thải những trường hợp không đủ thể trạng, sức khỏe hành nghề lái xe. Không nói ra thì ai cũng hiểu, với động thái này, suy cho cùng Bộ GTVT muốn giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông do các bác tài có vấn đề về sức khỏe gây ra.

Vấn đề tình trạng sức khỏe của đội ngũ lái xe không phải ngẫu nhiên được quan tâm và ngành GTVT phải xới lên. Bởi vì vừa qua tại Hải Phòng, khi Sở GTVT phối hợp với Sở Y tế thành phố này tổ chức kiểm tra một số đơn vị kinh doanh vận tải đã phát hiện hơn 200 trường hợp lái xe, chủ yếu là tài xế lái xe taxi có kết quả dương tính với chất gây nghiện, nói nôm na là bị nghiện ma túy.

Không chỉ Hải Phòng, qua đợt kiểm tra đột xuất gần đây tại các tỉnh khác như Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Quảng Nam… cơ quan chức năng cũng ghi nhận có khoảng 15% lái xe container và xe tải nặng tức xe chuyên chạy đường dài bị nghiện ma túy. Tỷ lệ này ở xe khách thấp hơn.

Những số liệu thống kê ấy không khỏi khiến Bộ GTVT “rùng mình” trước viễn cảnh xảy ra tai nạn giao thông, thậm chí tai nạn giao thông nghiêm trọng chỉ vì một số tài xế xe khách ôm vô lăng trong khi đang bị phê thuốc.

Thiếu bộ tiêu chuẩn sức khỏe

Nghiện ma túy thực ra mới chỉ là một khía cạnh, một yếu tố ảnh hưởng đến an toàn tay lái của các bác tài nói chung và tài xế kinh doanh vận tải nói riêng. Bởi vì sức khỏe của các bác tài kinh doanh vận tải có thể bị sút kém vì nhiều tác nhân khác trong đó có những nguyên nhân gây ra từ chính nghiệp lái xe. Thức đêm nhiều, ăn uống vạ vật, thiếu chất và không điều độ; điều khiển xe vượt quá số giờ quy định; thể trạng suy giảm theo thời gian hành nghề...

Có một thực tế là từ bao lâu nay việc kiểm tra bắt buộc sức khỏe cho giới lái xe nói chung, các bác tài kinh doanh vận tải nói riêng hầu như chỉ xảy ra một lần duy nhất, đó là khi họ đi thi lấy bằng lái xe. Người muốn thi lấy bằng lái chỉ một lần khám sức khỏe, lấy được bằng lái và sau đó nhiều năm điều khiển phương tiện vận tải mà không có cơ chế ràng buộc kiểm soát, hoặc nếu có chỉ qua loa chiếu lệ tại các đơn vị kinh doanh vận tải. Cũng có khi bản thân công tác kiểm tra sức khỏe cho lái xe tại các cơ sở y tế cũng chưa kỹ, còn hời hợt kể cả có tiêu cực để cho đối tượng lấy giấy khám sức khỏe.

Thông thường chỉ cần đủ hai chân, hai tay, mắt không vấn đề là coi như đạt khâu khám sức khỏe. Nói cách khác với quy trình, cung cách khám sức khỏe lâu nay, nếu có nghiện hút, người đi khám sức khỏe để thi lấy bằng lái cũng khó bị cơ sở y tế phát hiện. Có ý kiến cho rằng, cái còn thiếu lâu nay là thiếu một bộ tiêu chuẩn sức khỏe của lái xe nói chung và lái xe kinh doanh vận tải nói riêng và đây là phần việc của ngành y tế.

Theo nhận xét của ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường đào tạo lái xe Tiến Bộ (TPHCM), khi tiếp nhận lái xe vào đơn vị mình mà vì lý do gì đó không đòi buộc tài xế phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện lái xe kinh doanh, thì một khi xảy ra sự cố, tai nạn, đơn vị sử dụng người lao động sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Đó là cách ràng buộc tốt nhất để quản lý và đảm bảo các tài xế xe vận tải đạt yêu cầu về thể chất.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục