Kiến nghị chỉ giảm điều tiết ngân sách TPHCM xuống 21%

Ngày 26-10,  Đoàn ĐBQH TPHCM đã chính thức có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ chấp thuận kiến nghị tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM.
Kiến nghị chỉ giảm điều tiết ngân sách TPHCM xuống 21%

Ngày 26-10,  Đoàn ĐBQH TPHCM đã chính thức có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ chấp thuận kiến nghị tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM.

Theo văn bản này, trong giai đoạn ổn định ngân sách 2011 - 2016, tỷ lệ điều tiết ngân sách TPHCM là 23%. Tính cân đối trong cả giai đoạn ổn định ngân sách 2017 - 2020, nếu áp dụng tỷ lệ điều tiết 23% như giai đoạn trước thì tổng dự toán thu cân đối ngân sách TPHCM là 384.038 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được 69,08% dự toán chi cân đối ngân sách TP (555.948 tỷ đồng); TPHCM vẫn còn thiếu nguồn ngân sách rất lớn (171.910 tỷ đồng) để chi cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017 và ổn định thời kỳ 2017 - 2010, Chính phủ trình Quốc hội tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TPHCM đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa trung ương và thành phố dự kiến sẽ được điều chỉnh giảm là 18%.

Việc giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững và khó có thể giải quyết được những điểm nghẽn về hạ tầng của TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG


Tại phiên thảo luận tổ  về tình hình kinh tế xã hội ngày 22-10, đoàn ĐBQH TPHCM cho rằng, tỷ lệ giảm này là quá lớn, ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM (một đô thị đặc biệt với dân số 12 triệu người, trong đó có khoảng trên 3 triệu người là dân số tăng cơ học, lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, lao động vãng lai), sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững của thành phố, khó có thể giải quyết được những điểm nghẽn về hạ tầng của thành phố và khả năng đóng góp ngày càng lớn hơn đối với nền kinh tế của đất nước và ngân sách nhà nước. Hiện nay, nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông, giáo dục,  y tế, an sinh xã hội của TPHCM rất bức xúc (mỗi năm 1/3 HS-SV tăng cơ học, mỗi ngày có trên 35.000 lượt người dân các tỉnh đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế của thành phố, trong đó có trên 40% điều trị nội trú; 60% - 70% diện hưởng bảo trợ đến từ các tỉnh, vấn đề phòng chống mại dâm, ma túy thì có trên 40% là người ngoại tỉnh. Trong khi đó, TPHCM đã cố gắng tiết kiệm chi thường xuyên một cách triệt để, đã giảm chi thường xuyên một cách tối đa. Do đó, nếu cắt giảm thì phải cắt giảm chi đầu tư phát triển, mà điều này để lại hệ lụy rất lớn, tác động nhiều chiều của xã hội, không bảo đảm sự chủ động của TPHCM trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề phát sinh.

Văn bản kiến nghị cũng cho rằng, việc đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình, dự án lớn của TPHCM không chỉ phục vụ cho sự phát triển của thành phố mà còn có tác dụng kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhiều ĐBQH TPHCM cũng bày tỏ lo ngại nếu tỷ lệ điều tiết bị cắt giảm đột ngột, ngân sách thành phố sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu về ổn định an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, người dân vì thế sẽ không yên tâm đầu tư sinh kế, làm ăn, du lịch cũng từ đó mà giảm mạnh.

Đoàn ĐBQH TPHCM cũng cho rằng, Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị năm 2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 đã nêu  rõ “xem xét để tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa trung ương và thành phố, thực hiện từ 2015; trong khi chưa tăng tỷ lệ điều tiết, hàng năm xem xét tăng nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu và tăng hỗ trợ từ nguồn thu xuất nhập khẩu trên địa bàn; đồng thời ưu tiên các nguồn tài chính để thực hiện các dự án phát triển giao thông tại TPHCM đã được Chính phủ phê duyệt; tạo điều kiện để TPHCM phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm đối với vùng và cả nước..”.  Do đó, Đoàn ĐBQH TPHCM cho rằng, việc giảm điều tiết ngân sách cho TPHCM là chưa phù hợp với Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị. Hệ lụy việc thiếu vốn đầu tư nhiều năm qua đã bộc lộc rõ đến điều kiện phát triển của thành phố (ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, quá tải bệnh viện, trường học, thiếu các thiết chế văn hóa… gây bức xúc trong nhân dân).

Văn bản cũng cho biết, tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TPHCM giai đoạn năm 2010 là 33%; đến giai đoạn 2011 - 2016 chỉ còn 23%. Với tỷ lệ 23% thì đáp ứng 30% nguồn vốn chi đầu tư. Nếu giảm xuống 18% thì khả năng cân đối vốn chi đầu tư chỉ đáp ứng được 21% yêu cầu. Do đó, mặc dù bình quân trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chiếm tỷ trọng 27% tổng thu ngân sách cả nước, nhưng tổng chi ngân sách địa phương được hưởng theo tỷ lệ điều tiết chỉ chiếm tỷ trọng hơn 4% tổng chi. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ 10, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của TP đề ra  cho giai đoạn 2016 - 2020 (GRDP) từ 8% - 8,5% (tính theo GDP thì tăng hơn 1,5 lần mức tăng trưởng GDP bình quân của cả nước). Trường hợp TPHCM bị giảm tỷ lệ điều  tiết ngân sách xuống 18%, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong giai đoạn 2016 - 2020 của thành phố là 7,49% do thành phố không có nguồn lực để tăng chi đầu tư phát triển nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt được chỉ tiêu đề ra.

Đoàn ĐBQH TPHCM cũng cho rằng, trong điều kiện cân đối ngân sách chung của cả nước gặp khó khăn, TPHCM sẽ tập trung các giải pháp kêu gọi đầu tư, tăng cường xã hội hóa để giảm bớt áp lực ngân sách, đồng thời để chủ động chăm lo nuôi dưỡng nguồn thu, giải quyết các vấn đề cấp bách, hạ tầng, an sinh xã hội, trật tự xã hội… phát triển bền vững, góp phần tích cực vào tổng thu ngân sách cả nước, duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP để đóng góp vào sự phát triển chung cả nước.

Trên cơ sở đó, đoàn ĐBQH TPHCM đề nghị UBTVQH, Chính phủ xem xét quyết định điều chỉnh tỷ lệ điều tiết số thu cho ngân sách TPHCM giai đoạn 2017 - 2020 là 21%, tạo điều kiện để thành phố phát triển, là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, KH-CN của đất nước và khu vực.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục