Một thực tế rất đáng lưu ý (nhưng lại không quá bất ngờ, bởi đã có những tín hiệu cảnh báo từ trước) vừa được khẳng định thông qua số liệu mới nhất do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) công bố: vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước thực hiện trong tháng 5-2011 ước tính 17,8 ngàn tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước thực hiện đạt khoảng 73,3 ngàn tỷ đồng, bằng 39% kế hoạch năm và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, vốn do trung ương quản lý đạt 15.123 tỷ đồng, bằng 36,1% kế hoạch năm và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn địa phương quản lý đạt 58.236 tỷ đồng, bằng 39,8% kế hoạch năm và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2010.
Một số địa phương có khối lượng vốn đầu tư thực hiện lớn là Hà Nội đạt 6.096 tỷ đồng, bằng 30,4% kế hoạch năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; TPHCM đạt 4.581 tỷ đồng, bằng 32,5% và tăng 9,5%. Tuy quy mô vốn thực hiện không lớn bằng, nhưng tỷ lệ so với kế hoạch lại rất cao là Đà Nẵng 3.393 tỷ đồng, bằng 59,2% và tăng 14,2%; Cần Thơ 1.557 tỷ đồng, bằng 55,7% và tăng 31,9%...
Theo phân tích của các nhà kinh tế, những con số này cho thấy, việc cắt giảm đầu tư công hoàn toàn không dễ dàng, bất chấp quyết tâm đã được khẳng định mạnh mẽ của Chính phủ nhằm ngăn ngừa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu tiếp tục tốc độ này, mục tiêu cắt giảm đầu tư công trong năm nay sẽ khó mà trở thành hiện thực.
Theo một quan chức Phòng Thương mại Mỹ (AmCham), đầu tư công trong một nước đang phát triển là cần thiết, nó góp phần cải thiện điều kiện hạ tầng (vốn là điểm yếu cốt tử của môi trường kinh doanh của Việt Nam), cải thiện chất lượng sống của người dân. Việc cắt giảm là giải pháp ngắn hạn và quan trọng hơn, cần có sự lựa chọn sáng suốt về “diện” và “điểm” cắt giảm. Dường như đây chính là gút thắt của vấn đề, dẫn tới việc kết quả cắt giảm đầu tư công chưa như mong đợi.
Cần phải có những tiêu chí rõ ràng hơn nữa về thứ tự ưu tiên đầu tư; về đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư công. Đồng thời, cần siết chặt kỷ luật tài khóa để tránh tình trạng các quy định của trung ương bị cấp dưới cố tình “bỏ qua”, bởi một điều rất dễ hiểu là cắt giảm đầu tư công sẽ ảnh hưởng nhất định đến mức tăng trưởng và lợi ích của các ngành, địa phương, doanh nghiệp...
Lạm phát trong tháng 5 đã tạm thời giảm tốc. Nhưng không thể vì thế mà chủ quan với “chú ngựa bất kham” này trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước vẫn đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bất ổn. Không phải ngẫu nhiên mà trong các khuyến nghị chính sách được cộng đồng quốc tế đưa ra tại nhiều hội nghị, hội thảo về kinh tế vĩ mô của Việt Nam gần đây đặc biệt nhấn mạnh từ “kiên nhẫn”. Kiên quyết là điều kiện cần, nhưng phải “kiên nhẫn” mới đủ để đạt được kết quả ổn định vĩ mô bền vững.
ANH THƯ