Kiên quyết và tâm huyết

Chuyện các cháu ở nhóm trẻ tư thục mầm non Phương Anh (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TPHCM) bị 2 bảo mẫu bạo hành, một lần nữa gây xót xa, đắng lòng ngành giáo dục, tạo cú sốc tâm lý lớn đối với xã hội. Không chần chừ gì nữa, ngay trong lúc này đây toàn xã hội, đặc biệt là các cấp, các ngành cần biến sự thương tâm này thành những hành động thật cụ thể một cách kiên quyết, tâm huyết - làm bằng cái tâm và sự quyết liệt. Được như vậy xã hội mới không còn những câu chuyện nhói lòng tương tự.

Thành phố đang trong quá trình đầu tư xây dựng thêm hệ thống trường công lập để đáp ứng yêu cầu tăng dân số cơ học hiện nay. Tuy nhiên, thêm trường mới, thêm chỗ học không hẳn đã giải quyết căn cơ nạn bạo hành trẻ em mà yêu cầu cấp bách hiện nay cũng là phục vụ mục tiêu lâu dài là khắc phục nhanh những hạn chế, khiếm khuyết trong công tác quản lý trường, nhóm lớp mầm non tư thục trên địa bàn thành phố.

Không thể phủ nhận công tác quản lý nhóm trẻ, trường mầm non tư thục thời gian qua đã được TPHCM quan tâm, chỉ đạo với nhiều văn bản, đặc biệt là Chỉ thị 03 của UBND TPHCM ban hành năm 2008 (về chấn chỉnh, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các trường, lớp, cơ sở giáo dục mầm non tại TPPHCM). Chỉ thị này chỉ đạo rất rõ trách nhiệm các ngành, các cấp chính quyền trong việc phối hợp điều tra, nắm chắc tình hình hoạt động và chấn chỉnh kịp thời sai phạm của các trường, lớp mầm non và nhóm trẻ gia đình trên địa bàn quận huyện, phường xã, thị trấn; “kiên quyết đóng cửa các cơ sở mầm non không đủ điều kiện và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho trẻ”. Tuy nhiên, các ngành, các cấp chính quyền thực hiện chưa kiên quyết.

Vì lẽ đó, việc đầu tiên cần làm là rà soát lại toàn bộ nội dung Chỉ thị 03 và chọn các vấn đề chưa làm để làm ngay. Ngành GD-ĐT thành phố chuẩn bị soạn thảo chỉ thị mới trình UBND thành phố về chấn chỉnh công tác quản lý đối với trường mầm non trên địa bàn.

Đề xuất chỉ thị mới này nên xoáy vào nội dung tăng biên chế cán bộ, chuyên viên đủ chất và lượng cho tổ mầm non các quận huyện để phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền phường xã thực hiện công tác hướng dẫn nghiệp vụ, thẩm tra cấp phép, kiểm tra giám sát hoạt động các trường, nhóm trẻ tại các địa bàn dân cư, kèm theo đó là chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ này. Vấn đề con người ở đây rất quan trọng. Bởi lẽ, dù giải pháp có hay đến đâu nhưng không có con người có tâm, có trách nhiệm thì cũng không thể nào thực hiện được.

Một nội dung quan trọng khác, theo tôi là tăng cường hơn nữa vai trò giám sát cộng đồng của mặt trận, đoàn thể đối với trường lớp tư thục mầm non, nhóm trẻ tự phát, đồng thời kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý hoạt động giữ trẻ chui.

Ngoài chấn chỉnh kịp thời những lỗ hổng của “tảng băng nổi” thì các vấn đề phải quan tâm thường xuyên “tảng băng chìm”, đó chính là chất lượng bữa ăn, an toàn thực phẩm… đang tác động trực tiếp từng ngày đến sự phát triển thể chất và trí não của các cháu.

“Dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt…”, câu nói năm nào của Bác Hồ giờ vẫn là kim chỉ nam hành động cho những ai làm công tác “trồng người”. Hay những câu khẩu hiệu từ những năm đầu mới thành lập ngành mầm non: “Dù bận rộn khẩn trương vẫn dịu dàng, âu yếm”; cũng như bài học căn bản về kỹ năng chăm sóc trẻ ở trường sư phạm mầm non ngày nào: “Cô không cho trẻ ăn khi trẻ đang nằm, đang ho, đang khó, đang buồn ngủ…” vẫn hằng trong tâm trí chúng tôi.

Dưới mái trường sư phạm thành phố những năm 1980, trong điều kiện muôn vàn khó khăn nhưng trường vẫn luôn đặt vấn đề giáo dục đạo đức cho giáo viên mầm non lên hàng đầu. Một giáo viên mầm non giỏi phải là giáo viên có kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ giỏi và xem khâu dạy là quan trọng. “Trong nuôi có dạy, trong dạy có nuôi”.

Cho nên nếu đã chọn ngành sư phạm mầm non thì các cô giáo chúng ta phải thường xuyên tự học, tự rèn luyện, nâng cao lòng yêu nghề, mến trẻ, tận tụy, chịu khó, chịu thương để luôn xứng đáng với danh hiệu cô giáo như mẹ hiền và để lời bài hát “…cô là mẹ và các cháu là con, trường của cháu đây là trường mầm non” luôn là ký ức đẹp khắc sâu trong tâm hồn trẻ.

TRẦN THỊ NGỌC ANH
(Nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM)

Tin cùng chuyên mục