Kiên tâm nghề báo

Theo thống kê của Bộ Thông tin - Truyền thông, ở nước ta hiện có trên 800 cơ quan báo chí với gần 20.000 nhà báo được cấp thẻ; Hội Nhà báo Việt Nam có 22.000 hội viên, với 270 tổ chức cơ sở hội. Trong những thành tựu về mọi mặt của đất nước đều có sự đóng góp không nhỏ của báo chí thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giám sát và phản biện xã hội. Tuy nhiên, có thể thấy chưa bao giờ việc tác nghiệp báo chí thật dễ và cũng thật khó như hiện nay.

Việc làm báo dễ dãi đã trở thành một thực trạng đáng báo động. Hàng ngày, bạn đọc gặp trên nhiều báo mạng lẫn báo giấy những bài báo nhạt nhẽo, những mẩu tin sao chép, chỉnh sửa, thêm thắt, những bài viết giật gân, câu khách, miêu tả tỉ mỉ những tình tiết rùng rợn hay xâm phạm đời tư cá nhân... Ở cánh phóng viên, xuất hiện hiện tượng lười tác nghiệp, thường xuyên xào nấu thông tin trên mạng; đưa tin sai sự thật do tác phong làm việc qua loa, đại khái, thiếu kiểm chứng, thậm chí còn thêm thắt, bịa đặt; đặt nặng lợi ích cá nhân, viết theo đặt hàng…

Một thông tin đáng buồn đến với những người làm báo, đó là vào chiều hôm qua 20-6, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đã ký quyết định thu hồi thẻ nhà báo của nhà báo Mai Phan Lợi - Báo Pháp luật TPHCM. Trong khi nhân dân cả nước đang ngóng chờ các tin tức mới nhất tìm kiếm chiếc máy bay CASA-212 cùng 9 quân nhân mất tích trong lúc thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ phi công và máy bay chiến đấu Su-30MK, vậy mà nhà báo Mai Phan Lợi - quản trị Diễn đàn nhà báo trẻ - đã mở một cuộc thăm dò dư luận đặt vấn đề vì sao CASA tan xác, cùng với các giả thiết mang tính suy diễn: không loại trừ bị bắn vỡ, hay máy bay chất lượng kém do tham nhũng trong ngành quốc phòng... Chúng tôi hiểu tâm trạng của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khi ký quyết định này, vì đúng vào dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhưng đây là việc phải làm ngay, bởi nhà báo Mai Phan Lợi đã vi phạm nghiêm trọng đến nguyên tắc cơ bản của báo chí, đó là tính chân thật.

Hiện tại Hội Nhà báo Việt Nam đang tổ chức lấy ý kiến sâu rộng để hoàn thiện bộ quy tắc đạo đức của người làm báo. Trong khi chờ những quy chuẩn này, mong rằng những người làm báo kiểu dễ dãi nêu trên đừng dựa dẫm vào Internet nữa, hãy mở cửa phòng đi thẳng ra hiện trường, đến cơ sở để quan sát, thu thập thông tin.

Tại sao nói làm báo bây giờ thật khó? Trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, mọi người đều có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và cũng dễ dàng đưa thông tin ra xã hội, thì đòi hỏi người làm báo chuyên nghiệp phải giỏi nghề hơn nữa, làm việc cật lực hơn nữa. Khi một sự kiện xảy ra, nhà báo phải tác nghiệp thật nhanh để có ngay thông tin cùng ảnh hoặc video clip cho các phiên bản báo di động, online; rồi tiếp tục tác nghiệp, thu thập thông tin, phân tích, lý giải vấn đề để cập nhật tiếp cho báo online hoặc viết sâu hơn cho báo in. Thế nhưng, đồng nhuận bút họ được nhận chẳng là bao. Cụ thể, với một phóng viên ở TPHCM thuộc loại viết khỏe, mỗi tuần thực hiện được 5 tin, 2 bài, thì mỗi tháng lãnh tròm trèm được 7 - 8 triệu đồng nhuận bút, để chi trả cho những chuyến đi, cho việc vất vả ngược xuôi tác nghiệp bất kể giờ giấc, ngày thường hay ngày lễ, trời mưa hay trời nắng. Ở các bộ phận liên quan đến quy trình sản xuất sản phẩm báo chí cũng vậy, cũng quần quật hàng ngày với những trang báo, số báo, để làm sao mỗi sản phẩm báo chí đều mới mẻ, có độ tin cậy cao, mỗi số báo đều có chất lượng nội dung và hình thức tốt.

Bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay đòi hỏi người làm báo không chỉ có nghiệp vụ báo chí hiện đại, tri thức, vốn sống, bản lĩnh chính trị, năng khiếu báo chí, đạo đức nghề nghiệp mà còn phải dũng cảm, xả thân. Chỉ có lòng nhiệt huyết, niềm đam mê nghề nghiệp cùng sự đồng cảm, chia sẻ của gia đình, người thân, nhà báo mới giữ được “lửa”, kiên tâm với nghề. Và phần thưởng đối với họ chính là vị trí trong lòng bạn đọc. Khi đọc một bài báo, bạn đọc luôn biết được đâu là sản phẩm báo chí có sự sáng tạo, có chất lượng cao và họ thấy cả mồ hôi cùng niềm tin của nhà báo ở trong đó.

NGUYỄN KHẮC VĂN

Tin cùng chuyên mục