Kiến tạo phát triển

Người dân cả nước vừa đón Tết Quý Tỵ trong an bình, yên vui, đầm ấm. Chưa năm nào kinh tế - đời sống đối diện nhiều khó khăn, thử thách như năm qua. Nhưng với truyền thống dân tộc lá lành đùm lá rách, sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng xã hội, các đoàn thể, các cấp chính quyền trong việc tương trợ, hỗ trợ các gia đình nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, từ miền xuôi đến miền núi, nơi vùng sâu vùng xa… ai cũng có tết, nhà nhà đều có tết. Cái tết càng thêm “đủ đầy” khi trước tết rộn ràng nhiều hoạt động chăm lo vật chất, tinh thần hướng đến đồng bào, chiến sĩ biên giới, hải đảo - nơi dân quân đang ngày đêm canh giữ đất trời, cương thổ quốc gia.

Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tưởng nhớ anh linh liệt sĩ đã ngã xuống để có tầm vóc đất nước hôm nay cũng diễn ra sôi nổi trước, trong dịp tết và ngay những ngày này, bằng việc các đoàn lãnh đạo thăm hỏi, chúc tết; các tổ chức chính trị - xã hội họp mặt các thế hệ ôn lại truyền thống cách mạng và lịch sử hào hùng của dân tộc. Uống nước nhớ nguồn - trong những ngày tết, nhân dân đã đến viếng, thắp hương rất đông đảo tại các khu di tích lịch sử quốc gia, các khu tưởng niệm lãnh tụ và chiến sĩ đã hy sinh vì dân, vì nước.

Ước mong của nhân dân trong những ngày xuân này vẫn là ý nguyện muôn đời: đất nước trường tồn, toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân no ấm. Và để làm được điều ấy cần nhìn rõ chính mình, nhìn rõ thời thế, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới - cách tân mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực để chấn hưng kinh tế, giữ thế nước vững vàng trong sự nghiệp phát triển xứng đáng với công lao, xương máu của tiền nhân, tham gia hội nhập quốc tế trên thế mạnh một cách chủ động.

Năm 2012, nước ta điểm mốc GDP 5,02%, có thể gọi là điểm rơi vùng đáy so với chỉ tiêu tăng trưởng trong hàng chục năm qua. Điều này cho thấy mô hình tăng trưởng thời gian qua dựa vào vốn đầu tư đã lạc hậu, hết động lực kích thích và lan tỏa trong thời kỳ mới, đòi hỏi cần có quyết sách mạnh mẽ hơn. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 được xác định là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nhằm huy động các nguồn lực đẩy mạnh công cuộc phát triển; tái cơ cấu hoạt động doanh nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh; chuyển đổi mô hình tăng trưởng nền kinh tế với mục tiêu phát triển bền vững. Đó là chủ trương đúng đắn nhưng thực tế việc triển khai rất chậm và kết quả còn chưa thấy rõ.

Tình thế đất nước và mệnh lệnh cuộc sống hiện nay đòi hỏi phải khẩn trương hành động, có giải pháp mạnh mẽ, phù hợp với thực tế mới chặn đứng đà suy giảm kinh tế, tạo nền tảng để doanh nghiệp vượt khó, trụ vững và từng bước vươn lên. Trong bối cảnh nguồn lực đất nước và doanh nghiệp có hạn, rất cần xem xét, lựa chọn đúng định hướng ngành, lĩnh vực cụ thể, ưu tiên tập trung vốn đầu tư, nâng cao trình độ công nghệ và nguồn nhân lực để tạo ra chuyển biến rõ rệt, mang tính đột phá ngay trong những năm trước mắt thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015.

Bên cạnh cải cách về thể chế cần quyết liệt cải cách hành chính, bộ máy công vụ theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Vì sự thành bại của chính sách còn do yếu tố con người, còn do sự “trì kéo” các thủ tục hành chính trong khâu tổ chức thực hiện và việc triển khai hiệu quả đến đâu trong thực tế. Do vậy, công cuộc phát triển thời kỳ mới cần loại trừ tệ nạn cán bộ công chức xa dân, nhũng nhiễu, lãnh đạm trước việc nước, việc dân; chuyển đổi mô hình từ nhà nước quản lý sang mô hình nhà nước kiến tạo và phục vụ. Có như vậy mới tạo động lực và niềm tin đưa đất nước vượt qua thử thách, tiến lên ghi dấu ấn thời đại mới như việc ta đã làm được trong suốt tiến trình đổi mới đất nước.

Lịch sử tồn tại, phát triển của mỗi quốc gia tùy thuộc vào sự lựa chọn định hướng chiến lược đúng và triển khai hiệu quả trong từng thời kỳ. Và thực tế cũng cho thấy rằng các quốc gia và vùng lãnh thổ có GDP bình quân đầu người cao nhất không phải là các nước công nghiệp phát triển hàng đầu ở châu Âu, châu Mỹ... mà trong tốp 10 là các nước Qatar, Luxembourg, Singapore, Na Uy, Brunei... (theo công bố của Forbes).

Nhiều quốc gia thua kém về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, nguồn nhân lực... nhưng đã vươn lên trở thành nước giàu, trong khi đó nhiều quốc gia khác có điều kiện tốt hơn vẫn không thoát khỏi đói nghèo trong hàng trăm năm. Điều ấy cho thấy “yếu tố bên trong” - nói cách khác là khơi dậy nội lực, là rất quan trọng. Điều này cũng cho ta niềm tin, kỳ vọng với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam hoàn toàn ta có thể vượt qua nghịch cảnh, tiến về phía trước như đã từng vượt qua các thách thức ngặt nghèo trong lịch sử. Vấn đề cấp bách đặt ra là xây dựng, triển khai thể chế phù hợp với nền tảng Nhà nước kiến tạo phát triển, sẽ vực dậy niềm tin, động viên toàn dân hiệp lực vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xây dựng xã hội phồn vinh.

LÊ TIỀN TUYẾN

Tin cùng chuyên mục