Nhìn lại năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng công tác cán bộ là vấn đề nổi lên trong thời gian qua và cần được chấn chỉnh trong thời gian tới.
- Phóng viên: Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Ông đánh giá thế nào về kết quả chúng ta đã đạt trong gần 1 năm qua?
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc
* PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc: Trước hết thấy rõ nhất là quyết tâm chính trị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong Đại hội XII của Đảng. Với quyết tâm chính trị cao như vậy, ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 05 về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hội nghị Trung ương lần thứ 4 vừa qua đã ban hành Nghị quyết tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Đây là 2 văn kiện rất quan trọng cụ thể hóa nhiệm vụ của Đại hội XII đề ra xung quanh vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác cán bộ.
Trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII chúng ta có những bước đi quan trọng như: tiếp tục xử lý 6 vụ án nghiêm trọng có liên quan đến tham nhũng, xử lý Trịnh Xuân Thanh, kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng những khuyết điểm về công tác cán bộ, chấn chỉnh bổ nhiệm cán bộ cho người thân, người nhà xảy ra ở một số địa phương… Việc làm đó củng cố niềm tin của toàn Đảng, toàn dân đối với quyết tâm chính trị của Bộ Chính trị, của Trung ương. Theo tôi đó chính là khởi sắc, bước đi quan trọng và có thể là bước đột phá trong công tác cán bộ trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII. Nhiệm vụ thứ hai là vấn đề xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức trong hệ thống chính trị. Chúng ta đã có bước khởi sắc sau bầu cử Quốc hội khóa XIV, Quốc hội và Chính phủ được kiện toàn. Chính phủ hiện nay thực sự bước vào hành động theo định hướng của Trung ương đã đề ra. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tuyên bố xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, vì dân. Tất nhiên, vừa qua chuyển động trong cách thức là quan trọng nhưng còn phải hành động quyết liệt hơn theo định hướng đúng đắn.
Một điểm nữa cần nhấn mạnh là về kinh tế. Theo Nghị quyết Đại hội XII, chúng ta xác định phải cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng hiệu quả, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Từ đầu năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế có bước biến chuyển tích cực, các cân đối vĩ mô giữ được, cơ cấu lại DNNN có bước tiến, xử lý những vấn đề ngân hàng, nợ công, nợ xấu và giữ được tỷ lệ lạm phát như đã đặt ra, giữ giá trị đồng tiền, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, hội nhập quốc tế cũng tiếp tục đẩy mạnh.
- Nhiều ý kiến cho rằng, gần 1 năm qua, đất nước gặp phải những cản trở không nhỏ từ vấn đề công tác cán bộ?
Đúng vậy. Cần nhìn nhận những mặt hạn chế đang tồn đọng trong nội bộ, nếu không xử lý triệt để sẽ cản trở bước phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Theo tôi, cản trở lớn nhất hiện nay là hệ thống tổ chức bộ máy còn cồng kềnh. Sắp tới cần tập trung nhiệm vụ trọng tâm thứ 2 mà Đại hội XII xác định, đó là xây dựng và tinh giản bộ máy trong hệ thống chính trị, để thực sự bộ máy ấy hoạt động năng động, hiệu quả, có hiệu lực, mang lại niềm tin cho người dân. Đặc biệt là về vấn đề cán bộ, lựa chọn cán bộ như thế nào cho đúng đắn. Thời gian qua rộ lên những vụ việc liên quan đến khâu cán bộ, xét cho cùng là có khuyết điểm, yếu kém về công tác cán bộ khi chưa chọn được người tài giỏi, thật sự có phẩm chất đạo đức, có tâm với đất nước và nhân dân. Vẫn còn những cán bộ cơ hội, lợi ích nhóm, phe cánh... Đó là những vấn đề cần suy nghĩ để kiện toàn bộ máy, lựa chọn cán bộ tốt hơn. Vừa rồi chúng ta đã có bước đột phá về công tác cán bộ tại Đại hội XII, trên cơ sở đó cần làm tốt hơn nữa.
Ngoài ra, hiện nay còn cản trở lớn là tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển của đất nước. Tham nhũng lớn, lãng phí không chỉ làm mất niềm tin của dân mà còn làm nghèo đất nước. Chính vì vậy phải hết sức tập trung để tạo sức bật, nếu đẩy lùi được chống tham nhũng, lãng phí sẽ tạo nguồn lực lớn cho đất nước.
- Ông có cho rằng, với việc ra đời Nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Hội nghị Trung ương 4 vừa qua được coi là cụ thể hóa nhiệm vụ thứ nhất trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng?
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là cụ thể hóa nhiệm vụ thứ nhất trong 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XII của Đảng đề ra. Nó có bước đi quan trọng cụ thể chứ không dừng lại ở chủ trương chung. Theo tôi đây là bước phát triển, phát triển hơn so với Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI. Nét mới của Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 khóa XII là đã chỉ ra rõ 27 điểm nhận diện trong 3 nhóm, lĩnh vực; 9 vấn đề của suy thoái tư tưởng chính trị; 9 vấn đề của suy thoái đạo đức, lối sống và 9 vấn đề về biểu hiện của tự diễn biến, tự chuyển hóa. Việc chỉ ra như vậy không chỉ là cụ thể hóa mà thẳng thắn nhìn nhận một cách cụ thể, rõ ràng những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Các tổ chức Đảng dựa trên cơ sở đó mà tự phê bình, phê bình, tự nhìn nhận trong tổ chức Đảng có những biểu hiện đó không, nếu có cần tập trung xử lý. Mặt khác cũng là để từng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ đảng viên có chức, có quyền cũng phải soi lại 27 điểm đó xem mình có vi phạm không. Nếu vi phạm thì phải quyết tâm sửa chữa như Bác Hồ đã nhắc nhở: có khuyết điểm thì phải tự nhìn nhận và quyết tâm sửa chữa. Ai chưa vi phạm thì cũng biết để tránh không mắc phải, không vi phạm mà tiến bộ, phát triển lên. Từ đó nâng cao tính kỷ luật, tính Đảng, tính chiến đấu trong sinh hoạt Đảng. Vừa qua sinh hoạt Đảng chúng ta còn hình thức, không đi vào thảo luận, trao đổi quyết định những vấn đề lớn của tổ chức Đảng. Vì vậy, phải soi vào nghị quyết để kiểm điểm, đánh giá, từ đó mới tạo ra được chất lượng lãnh đạo của tổ chức Đảng.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng đã chỉ ra 4 nhóm giải pháp rất cơ bản, từng nhóm giải pháp lại cụ thể hóa thành nhiệm vụ. Những nhiệm vụ ấy nếu làm tốt thì trở thành giải pháp khắc phục suy thoái. Tất cả các giải pháp cuối cùng cũng để nhằm mục tiêu xây dựng tổ chức Đảng cho tốt, trong sạch vững mạnh. Tiếp đến là công tác cán bộ. Hiện nay cái đáng lo nhất là cán bộ. Bởi chúng ta có cương lĩnh, đường lối, pháp luật hoàn hảo đến mấy mà cán bộ kém thì đúng như Bác Hồ nói “mọi thành công hay thất bại của cách mạng đều phụ thuộc cán bộ tốt hay cán bộ kém”. Vì vậy, nhiệm vụ chủ chốt sắp tới cả bên bộ máy Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị phải tập trung làm tốt chính là đổi mới công tác cán bộ, công khai minh bạch dân chủ trong lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ một cách tốt nhất. Những người tài, thực sự có tâm huyết, đạo đức phải được phát huy hết tài năng của mình cống hiến cho đất nước. Kiên quyết loại bỏ phần tử cơ hội, quyền lực, tham nhũng, thoái hóa biến chất ra khỏi bộ máy. Nhân dân luôn ủng hộ Đảng làm sao xây dựng bộ máy trong sạch, có đội ngũ cán bộ tốt để lãnh đạo tốt hơn.
- Xin cảm ơn ông!
PHAN THẢO - THANH HOA