Kiên trì kéo giảm giá cả

Tháng 6-2012, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,26% so với tháng trước, và sức tiêu dùng trên thị trường được các chuyên gia kinh tế đánh giá là suy kiệt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang đối mặt khó khăn. Thế nhưng, nếu nhìn vào biểu đồ chung của CPI cùng kỳ của năm gần nhất để so sánh, chưa hẳn là đúng: Năm 2012, CPI tăng 2,52% so với 2011, và mức giá các mặt hàng tiêu dùng tăng 2,52%. Điều đó cho thấy, trong khi các mặt hoạt động kinh tế còn khó khăn thì giá cả lại không giảm, khiến sức mua trên thị trường đã yếu càng suy yếu. Một nghịch lý khó lý giải.

Nghịch lý không từ các chuyên gia kinh tế đưa ra, phân tích, mà được thể hiện qua túi tiền của bà nội trợ. Trong khi số lượng doanh nghiệp thua lỗ phá sản hoặc tạm đình chỉ sản xuất không ngừng gia tăng, thu nhập của người lao động giảm sút nhưng giá cả các mặt hàng ngoài chợ, trong siêu thị vẫn tăng đều đều. Chẳng hạn, tại các chợ truyền thống, giá bắp cải Đà Lạt từ 8.000 đồng/kg lên 10.000 đồng, cải thảo tăng 4.000 đồng/kg, cá chẽm tăng 15.000 đồng/kg, cá thu, mực lá, gạo… tăng vài ngàn đồng/kg.

Chỉ riêng thịt heo hơi giảm (44.000 đồng/kg do ảnh hưởng của chất tạo nạc). Theo một lãnh đạo Saigon Co.op, tại hệ thống các siêu thị, giá cả các mặt hàng đến thời điểm này vẫn ổn định “ở mức cao” do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố làm ảnh hưởng nhiều nhất tới lãi gộp cũng như việc phải điều chỉnh giá của Saigon Co.op là tiền lương (chiếm 40% - 50%), mặt bằng (20% - 30%) rồi mới đến các chi phí khác, trong đó có vận chuyển. Nếu tính chung các khoản chi phí trên, rõ ràng yếu tố cấu thành giá bán bị đội lên cao, người tiêu dùng chịu thiệt. Điều đó lý giải một phần vì sao giá bán các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu vẫn ổn định ở mức giá… cao.

Ở góc độ khác, chưa có các nhà sản xuất và cung cấp hàng hóa cho siêu thị nào thông báo sẽ giảm giá. Có thể nói, giá cả các loại hàng hóa cao hay thấp, không phụ thuộc vào sức mua của người tiêu dùng, mà phụ thuộc vào nhà sản xuất cung cấp hàng hóa!

Việc kéo giá các mặt hàng hiện nay - nếu lần theo “dấu chân” các nhà sản xuất - cho thấy tác động của chi phí sản xuất ảnh hưởng nhiều đến giá bán. Trong chăn nuôi gia súc, hiện nay giá thức ăn chế biến không ngừng tăng do khoảng 60% - 70% nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài, trong nuôi trồng thủy sản, trồng trọt rau màu, giá hạt giống, con giống, thức ăn, thuốc trừ sâu… đều tăng theo từng tháng, khiến chi phí sản xuất đầu vào tăng. Đã vậy qua khâu trung gian thu mua, phân phối, hàng hóa phải đội thêm phí vận chuyển, lưu kho, giá thuê mặt bằng… khiến giá hàng hóa không giảm.

Qua khảo sát, hàng thực phẩm tươi sống tại chợ đầu mối Bình Điền về hàng tuần rất phong phú, dồi dào. Hàng được tiểu thương các chợ truyền thống đến lấy giá sỉ, bán lẻ tại các chợ chênh nhau khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg do cộng chi phí vận chuyển, thuê mặt bằng.

Tuy nhiên, giá trong siêu thị không những không rẻ hơn chợ, mà cao ngang hoặc hơn chợ. Do vậy, bài toán cho các nhà kinh doanh, là làm sao phải giảm các chi phí “cứng” tính vào lãi gộp, như phí vận chuyển, lương, mặt bằng (chiếm tới 70%). Đồng thời, giữa các nhà sản xuất, kinh doanh và phân phối phải có mối liên kết, hỗ trợ nhau. Chẳng hạn, như liên kết với các vùng sản xuất, hỗ trợ về vốn vay với lãi suất thấp để xây dựng cơ sở trồng rau, trại chăn nuôi, chế biến. Trong khâu kinh doanh, chính quyền thành phố có chính sách hỗ trợ về giá thuê mặt bằng cho các siêu thị. Với các biện pháp đồng bộ, dài hơi, hy vọng chiến lược sản xuất, kinh doanh có chiều sâu và ổn định so với sức mua của xã hội.

Kéo giảm giá bán các mặt hàng, duy trì và ổn định sức mua các mặt hàng tiêu dùng không chỉ bình ổn được đời sống nhân dân, mà còn duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo tiền đề cho các chương trình phát triển kinh tế xã hội, theo định hướng mà Đảng bộ, chính quyền thành phố đề ra. Vấn đề cần làm là sớm rà soát và kéo giảm các chi phí làm tăng giá thành, tổ chức chặt chẽ các khâu lưu thông, phân phối. Đó là biện pháp cần thiết, lâu dài.

Thăng Long

Tin cùng chuyên mục