Vì sao giảm?
Cuối năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của ngành điện thoại và linh kiện đạt 54,31 tỷ USD, tăng trưởng 22% so với năm trước. Đến quý 1-2018, kim ngạch xuất khẩu đạt mốc tăng trưởng mới: tăng 62,3%, với tổng giá trị 12,6 tỷ USD. Tuy nhiên, đến quý 2-2018, con số này rơi xuống mức 9,9 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ. Còn ở quý 3, kim ngạch xuất khẩu của ngành có nhích nhẹ, đạt 14,19 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ.
Lý giải vấn đề này, Tổng cục Thống kê cho rằng, sự sụt giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu ngành điện thoại và linh kiện giữa quý 1 và quý 2 là do có sự thay đổi về thời điểm xuất bán sản phẩm điện thoại mới trong 2 năm 2017 và 2018.
Theo đó, vào quý 4-2017, các doanh nghiệp (DN) đã dồn sức sản xuất để tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm vào quý 1-2018. Đây cũng được đánh giá là thời điểm nhu cầu tiêu dùng sản phẩm điện thoại trên thị trường tăng cao. Mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhờ vậy mà tăng đột biến. Đến quý 2-2018 là thời điểm DN giảm xuất khẩu để tập trung vào khâu sản xuất, kéo theo kim ngạch xuất khẩu giảm. Chính vì thế, mức giảm này không thể được xem là sự sụt giảm tăng trưởng xuất khẩu của ngành hàng trên. Thực tế, tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại trong 6 tháng đầu năm 2018 vẫn tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, đến thời điểm kết thúc quý 3-2018, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng chỉ đạt mức 14,19 tỷ USD, tăng trên 14%. Thậm chí, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 còn giảm so với tháng 8 gần 1%. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại TPHCM - một trong những tỉnh/thành vẫn đang dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu. Đến thời điểm này thì hoàn toàn khẳng định, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành hàng điện thoại và linh kiện chính thức có dấu hiệu sụt giảm.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhận định ở thời điểm quý 1 và 2 hoàn toàn có thể lý giải nguyên nhân là do DN (chủ yếu Samsung) chọn thời điểm để xuất khẩu hàng, làm gia tăng đột biến kim ngạch xuất khẩu của ngành này. Thế nhưng, dựa trên kim ngạch xuất khẩu của quý 3 đối với ngành hàng này thì có thể khẳng định cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã bắt đầu có những tác động nhất định đến hoạt động xuất khẩu của ngành điện tử.
Nguyên nhân là do thị trường xuất khẩu lớn nhất về mặt hàng này của Việt Nam là Trung Quốc, kế đến là Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và Nhật. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm nhiều DN Trung Quốc thu hẹp phạm vi sản xuất. Còn các đối tác của Mỹ cũng bắt đầu thận trọng hơn với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Thực tế này đã kéo theo kim ngạch xuất khẩu hàng của Việt Nam sang thị trường này cũng giảm.
Một vấn đề khác, việc tăng mức thuế lên những sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã tạo động lực mạnh vào làn sóng dịch chuyển đầu tư của DN ra khỏi Trung Quốc. Làn sóng này vốn đã manh nha hình thành từ trước đó, nhưng với lực đẩy từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến sự dịch chuyển này nhanh hơn, hoạt động sản xuất của các DN tại thị trường Trung Quốc do vậy cũng bị chậm lại.
Cơ hội mở rộng công nghiệp hỗ trợ trong nước
Theo nhận định của Bộ Công Thương, dù có sự sụt giảm nhẹ vào quý 3 nhưng dự kiến kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại năm 2018 vẫn đạt 48,5 tỷ USD, tăng bình quân khoảng 7,13% so với năm 2017. Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường chủ lực xuất và nhập khẩu ngành hàng này.
Ở góc nhìn lạc quan hơn, theo các chuyên gia kinh tế, sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu ngành hàng điện thoại và linh kiện sẽ có tác động nhiều đến các DN FDI, ít ảnh hưởng đến tăng trưởng sản xuất công nghiệp của DN trong nước. Bởi xét cơ cấu xuất khẩu, hơn 70% kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực này thuộc khối DN ngoại; DN trong nước chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn, chủ yếu tập trung một số mặt hàng linh kiện.
Ông Phạm Văn Tam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo, khẳng định hiện các nhà thu mua sản phẩm công nghiệp phụ trợ tìm đến đặt hàng công ty rất nhiều nhưng công ty không thể nhận thêm các đơn hàng, bởi công suất sản xuất đã đạt mức tối đa, không thể tăng thêm năng lực cung ứng. Hiện công ty đang kiến nghị Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM tạo điều kiện giao thêm diện tích đất trong khu để mở rộng quy mô, nâng công suất sản xuất và năng lực cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ trên thị trường trong nước cũng như nước ngoài. |
Tính tại thời điểm hiện tại, dù kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng điện thoại và linh kiện sụt giảm thì mức tăng trưởng của ngành công nghiệp trong nước, nhất là công nghiệp hỗ trợ vẫn đang tăng mạnh.
Theo Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản, hiện khả năng cung ứng đã vượt quá năng lực của các DN Nhật Bản. Do vậy, hơn 2.000 DN Nhật hiện đầu tư ở nước ta đang gấp rút tìm kiếm những DN sản xuất sản phẩm hỗ trợ tại Việt Nam, nhằm kỳ vọng có thể nâng khả năng cung ứng nội địa vốn đang ở mức 13% lên 30% vào năm 2020.
“Có thể thấy, nhu cầu cung ứng sản phẩm hỗ trợ tại nội địa đang tăng rất nhanh trong thời gian tới. Nắm bắt được tình hình này, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách tiếp sức cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Vấn đề còn lại là DN cần chủ động đầu tư dây chuyền máy móc công nghệ hiện đại để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu cao của các DN sản xuất sản phẩm đầu cuối”, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM, khẳng định.