Kim Tân, Thạch Thành (Thanh Hóa): Chìm trong biển nước

* Lũ lớn chưa từng thấy * Đã có ít nhất 55 người chết và mất tích
Kim Tân, Thạch Thành (Thanh Hóa): Chìm trong biển nước

* Lũ lớn chưa từng thấy
* Đã có ít nhất 55 người chết và mất tích

Những tiếng còi hú liên hồi vào lúc 21g ngày 5-10, báo hiệu cho việc chủ động để lũ trên sông Bưởi chảy tràn thì đến 22g55, đoạn đê dài gần 100m tại thôn 4, xã Thành Kim đã bị cuốn phăng, toàn bộ thị trấn Kim Tân, Thạch Thành ngập chìm trong biển nước, người dân hoảng loạn, kêu la và gào thét. Tại thời điểm vỡ đê sông Bưởi, mực nước lũ đạt mức 13,85m, cao hơn mức báo động cấp 3 là 0,8m, vượt lịch sử lũ của năm 1984 và 1996 là 0,3m.

Ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nói: “Chưa bao giờ Thanh Hóa lại diễn ra lũ lớn với cường độ cao trên các sông Mã, sông Chu, sông Bưởi... như trong 2 ngày qua”.

22/28 xã, thị trấn bị cô lập hoàn toàn

Kim Tân, Thạch Thành (Thanh Hóa): Chìm trong biển nước ảnh 1
Người dân được di dời ra khỏi vùng nguy hiểm

Từ sáng đến trưa ngày 6-10, tại ngã 3 - cửa ngõ trung tâm huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) trước mắt chỉ là nước là nước và những tiếng khóc than của người dân khi mà tài sản của họ đang cuốn theo nước. Có thể nói, đây là trận lụt lớn nhất trong khoảng gần 30 năm trở lại đây và phương tiện duy nhất để người dân di chuyển ra khỏi vùng lũ là những chiếc xuồng, bè bằng tôn, nứa tự chế.

Ông Đỗ Minh Quý - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành cho biết: Hiện 22/28 xã, thị trấn ngập chìm trong biển nước, thiệt hại chính gồm 54 thôn với 56.127 nhân khẩu, trong đó 11 xã bị cô lập hoàn toàn và có 3 xã chỉ thấy lác đác vài nóc nhà và ngọn cây. Trên 30% diện tích lúa (khoảng 2.000ha) bị ngập, 15.000ha hoa màu có nguy cơ mất trắng, hàng trăm mét đê, đường giao thông hư hại, ước tính thiệt hại ban đầu lên tới hàng chục tỷ đồng.

Chúng tôi được biết là đã có 2 nạn nhân tử vong và ông Quý khẳng định, nguyên nhân được xác định là do chập điện: “bộ phận phụ trách điện không cắt điện kịp thời”.

Cũng trong thời điểm này, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa phối hợp với lực lượng Phòng không không quân, Quân đoàn I, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, công an tỉnh... huy động hàng ngàn chiến sĩ cùng với những phương tiện cứu hộ tập trung về Thạch Thành để di dân trong vùng tâm lũ. Nhưng có một thực tế khiến cho việc vận chuyển lương thực thực phẩm và di dân trong vùng rốn lũ bị chậm là những chiếc ca nô đường sông luôn bị cây, dây điện chắn đường.

“Quá nhanh và bất ngờ, khiến chúng tôi không kịp trở tay”. Ông Bùi Trọng Liên, Bí thư huyện nói. Hiện tại toàn huyện có khoảng hơn 50.000 người dân đang bị mắc kẹt cần được hỗ trợ về lương thực thực phẩm, trong đó có gần 28.000 người cần được di dời khẩn cấp.

Kim Tân, Thạch Thành (Thanh Hóa): Chìm trong biển nước ảnh 2

Bệnh nhi đang chờ chuyển ra khỏi Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thành

Theo chân những chiếc ca nô cứu hộ, chúng tôi mới tận mắt chứng kiến được sức tàn phá của “Thần Thủy Tinh”. Những ngôi nhà ngói chỉ còn thấy nóc, những chiếc cột điện mà đỉnh của nó chỉ còn cách khỏi mặt nước chừng 50cm; những người dân ngồi trên nóc nhà vẫy và chờ đoàn cứu hộ đến cứu... Họ đói, rét không sợ mà chỉ sợ ngôi nhà mình trú ngụ bị nước cuốn trôi đi lúc nào không hay.

Bà Huệ (khối phố I, TT Kim Tân) nói trong nước mắt: Hơn 10 tấn lạc, đậu và hàng điện tử đã ngập chìm và cuốn trôi theo nước... ước tính thiệt hại trên 50 triệu đồng. Sau “cơn đại hồng thủy” này vợ chồng tôi chỉ còn nước cắp bị mà đi ăn xin. Vừa nói bà vừa dùng tay kéo chiếc áo ra bởi đó là thứ tài sản còn sót lại. Không chỉ gia đình bà Huệ chỉ là một trong hàng ngàn hộ dân của Thanh Hóa đang ngập chìm trong biển nước.

Gấp rút cứu người trong vùng lũ

Ngày 6-10, ông Nguyễn Ngọc Thuật, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT  trong chuyến công tác thị sát vùng lũ tại huyện Thạch Thành đã chỉ đạo  “Càng sớm đưa họ ra càng tốt, vì khả năng tốc độ nước rút là rất chậm”.

Hơn 100.000 gói mì tôm cứu trợ được thả từ máy bay, hàng chục ca nô, xuồng máy hoạt động hết công suất chuyển lương thực vào các xã Thành Hưng, Thành Long, Thành Thọ, Thành Mỹ và khu vực thị trấn. 150 bộ đội điều động gấp có mặt từ sáng 6-10 tham gia ứng cứu, CA tỉnh điều động 1.500 chiến sĩ, 30 tàu xuồng, 5 tấn lương thực cứu trợ.

Tuy không còn mưa, nhưng dự báo lũ đầu nguồn vẫn tiếp tục tràn về. Lượng nước tại các vùng lũ Thanh Hóa xuống rất chậm, đặc biệt đối với huyện Thạch Thành. Mục tiêu trước mắt là phải di dời toàn bộ những người dân còn mắc kẹt trong vùng lũ. Công tác cứu hộ cứu nạn tại Thanh Hóa chưa bao giờ khẩn trương và căng thẳng như hiện nay, khi các tuyến sông đồng loạt dâng lũ gây thiệt hại lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Lưu (Trưởng phòng Nội vụ LĐ-TBXH), gần 32.000 gói mì tôm được chuyển đến vùng lũ từ Công ty Cao su (5.010 gói), Sở LĐ-TBXH (4.500 gói), Hội Chữ thập đỏ (20.000 gói), Chi cục thuế Thanh Hóa (600 gói), CA tỉnh (2.700 gói) và Sở GTVT (3 triệu tiền mặt). Tổng trị giá hàng cứu trợ lên đến 32 triệu đồng.

Trên chiếc ca nô đưa những bệnh nhân và thân nhân người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện ra, chúng tôi được biết những y tá, bác sĩ trực và người dân tại đây hiện chỉ còn mỗi người một gói mì tôm (bệnh viện chỉ cách điểm tập kết hàng cứu trợ khoảng 400m). Trong khi đó, hiện tại bệnh viện có hơn 300 người với 147 bệnh nhân phần lớn là người già, trẻ em đang bị cô lập trên tầng hai. Nếu không kịp cứu tế, toàn bộ sẽ không còn lương thực cầm cự tiếp. Cuối ngày 6-10, trên 40 bệnh nhân đã được chuyển ra an toàn.

Gia Thanh  

Kim Tân, Thạch Thành (Thanh Hóa): Chìm trong biển nước ảnh 3

Nhiều nơi ở Nghệ An, sau lũ là bùn

Kim Tân, Thạch Thành (Thanh Hóa): Chìm trong biển nước ảnh 4

Anh Đinh Quốc Toàn thức suốt đêm dẫn đường cho người và xe dọc quốc lộ 48 tránh các điểm sạt lở

Đã có ít nhất 55 người chết và mất tích

(12G).- Tính đến 8g sáng nay, 7-10, trận lũ lịch sử trong vòng 45 năm qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung bộ đã làm ít nhất 55 người chết và mất tích. Cụ thể, tỉnh Nghệ An có 21 người chết và mất tích; Thanh Hóa 11 người; Hòa Bình 10 người; Sơn La 10 người; Ninh Bình 1 người; Yên Bái 2 người. Nhiều vùng dân cư ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La... hiện vẫn bị ngập chìm trong nước. Đặc biệt, nhiều xã ở các huyện Thạch Thành (Thanh Hóa); Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp (Nghệ An); Nho Quan, Gia Viễn (Ninh Bình); Yên Thủy, Lạc Thủy (Hòa Bình) bị nước lũ cô lập, hiện vẫn chưa liên lạc được.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn Trung ương, sáng nay, 7-10, mực nước sông Cả tại Nam Đàn (Nghệ An) sẽ gần đạt mức báo động III; sông Mã tại Giàng có khả năng xuống dưới mức báo động III là 0,7m; sông Bưởi tại Thạch Thành vẫn còn trên mức báo động III là 2m; sông Hoàng Long tại Bến Đế trên mức báo động III là 0,2m. Tình trạng ngập lụt sâu ở vùng trũng và đồng bằng ven sông các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An còn khá nghiêm trọng.

Gia Bình

Tin cùng chuyên mục