“HTX không biết động viên xã viên như thế nào trong bối cảnh này...”, ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM chia sẻ như vậy khi nói về việc có nhiều chủ xe - xã viên của Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM đòi… nghỉ chạy xe buýt.
Lượng khách ngày càng giảm do kẹt xe, xe buýt rất khó đảm bảo lộ trình, không thể hấp dẫn hành khách, giá xăng liên tục đi xuống, người dân sử dụng xe gắn máy 2 bánh lợi hơn đi xe buýt, tiền trợ giá thấp là nguyên nhân chính đưa đến câu chuyện này, ông Phùng Đăng Hải nói.
Hai tuyến xe buýt có nhiều xã viên - chủ xe đòi… nghỉ nhiều là tuyến xe buýt số 20 có lộ trình: Sài Gòn đi Nhà Bè và tuyến xe buýt số 14 có lộ trình: Bến xe miền Đông đi Bến xe miền Tây. Hai tuyến này đã có thời gian khá đông khách nhưng nay, lượng khách chỉ còn khoảng 1/3 so với trước. Hiện trung bình mỗi chuyến xe trên các tuyến này được nhận trợ giá khoảng 70.000 đồng, trong khi đó chi phí trung bình cho mỗi chuyến đi đã hơn 100.000 đồng. “Hôm nào đường thông thoáng, lượng khách đông thì các chủ xe mới có lời chút ít, ngược lại hôm nào bị kẹt xe, hành khách không muốn đi là nhà xe cầm chắc lỗ”, một chủ xe xin giấu tên nói. Theo người chủ xe này, trong khả năng của mình, các đơn vị vận tải chỉ có thể cố gắng đưa đón khách chu đáo, các vấn đề còn lại: đảm bảo lộ trình đi lại đúng giờ cho hành khách (không bị chậm do kẹt xe, thay đổi hướng đi…), mức giá xe buýt có hấp dẫn hành khách bỏ xe cá nhân không… thuộc trách nhiệm các cơ quan chức năng. Vấn đề này lại chưa được cải tiến nhiều nên các đơn vị vận tải và cụ thể là các xã viên - chủ xe, rất khó để thu hút thêm hành khách.
Trở lại với Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM, ông Phùng Đăng Hải cho biết thêm, việc các xã viên - chủ xe đòi nghỉ, không chỉ là chuyện… “nói miệng” như trước nữa. “Họ đã có đơn gửi lên Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM và Ban chủ nhiệm cũng chưa biết trả lời họ ra sao”, ông Phùng Đăng Hải nói.
Những năm gần đây, thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho thấy, lượng hành khách đi xe buýt ngày càng giảm. Trong bối cảnh này, hoạt động của các đơn vị vận tải xe buýt gặp khó, xã viên - chủ xe “đòi”… nghỉ chạy, âu cũng là chuyện dễ hiểu. Cách nay khoảng một tháng, trả lời phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, sẽ cải tổ mạnh mẽ hoạt động của hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận nhưng có lẽ cần phải được làm nhanh lên, bởi với những gì đang diễn ra ở các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt cho thấy, cần có ngay một thay đổi mạnh mẽ.
Được sự hỗ trợ, cho vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, TPHCM đang đầu tư khoảng 150 triệu USD để xây dựng tuyến buýt nhanh đầu tiên. Quyết định đầu tư này cho thấy TPHCM rất quyết tâm phát triển hệ thống giao thông công cộng… Hệ thống xe buýt hiện có dù còn nhiều khiếm khuyết nhưng hơn 10 năm qua, kể từ khi được “vực dậy” đã góp phần không nhỏ trong việc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và sau này khi hệ thống metro, BRT… ra đời, nó cũng sẽ góp một phần không nhỏ trong việc hình thành nên mạng lưới vận tải hành khách công cộng liên hoàn, giúp hệ thống metro, BRT thu gom khách… Chưa kể, nhà nước gần như không phải đầu tư cho hệ thống xe buýt hiện hữu mà chỉ hỗ trợ một phần lãi vay đầu tư. Xã viên - chủ xe thuộc các HTX vận tải là người bỏ phần vốn lớn nhất đầu tư cho xe buýt. Trong khi đó, với hệ thống metro, BRT…, nhà nước lại phải chi tiền đầu tư rất nhiều. Với vai trò quan trọng và những ưu điểm như vậy, hệ thống xe buýt hiện hữu, rất cần và cũng rất xứng đáng được quan tâm, tháo gỡ khó khăn nhiều hơn nữa.
TÂM ĐỨC