Với bờ biển chạy dài hàng trăm kilômét, khu vực ĐBSCL có lợi thế rất lớn trong nuôi trồng thủy sản ven biển. Không chỉ nuôi lồng bè trên biển, ở các bãi bồi mà có thể tận dụng môi trường rừng phòng hộ để nuôi tôm, cua, sò huyết… theo mô hình sinh thái dưới tán rừng. Rừng và biển đang mang lại cuộc sống ấm no cho rất nhiều cư dân ven biển tham gia mô hình này.
Tôm lúa trên bờ
Mô hình “Con tôm ôm cây lúa” xuất hiện ở ĐBSCL từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Sóc Trăng là một trong những tỉnh đi đầu trong phong trào phát triển mô hình này. Để bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai đồng thời giúp tăng năng suất sử dụng đất, bà con nông dân chỉ nên nuôi 1 vụ tôm. Sau đó, xả mặn, trồng lại vụ lúa. Khi cây lúa được trồng trên các vuông tôm có độ mặn trong phạm vi cho phép sẽ phát triển rất tốt. Chi phí sản xuất, vì vậy, sẽ giảm do cây lúa có thể tận dụng được các mùn bã hữu cơ do quá trình nuôi tôm để lại. Việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong suốt quá trình canh tác lúa cũng rất hạn chế. Đây cũng là cơ hội để các vùng ven biển ĐBSCL phát triển các giống lúa đặc sản, có thương hiệu.
Theo các nghiên cứu dự báo của các tổ chức nghiên cứu khí hậu thế giới, Việt Nam là một trong những nước được đánh giá sẽ chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Do vậy, việc phát triển mô hình lúa – tôm bền vững không chỉ nâng cao đời sống của người dân vùng ven biển ĐBSCL mà còn là kịch bản thích hợp trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hiệu quả của những mô hình giao khoán rừng kết hợp với nuôi thủy sản dưới tán rừng đã và đang tạo ra bước đột phá đối với ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản ở ĐBSCL. Mô hình này đã tạo ra được các mặt hàng thủy sản sạch theo quy trình khép kín đem lại giá trị kinh tế cao. Nhưng có lẽ, thành công lớn nhất của mô hình này chính là diện tích đất rừng phòng hộ được bảo vệ một cách hiệu quả và rừng ngày càng phát triển. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các địa phương ven biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, mực nước biển dâng cao và thiên tai ngày càng khốc liệt như hiện nay.
Tại Sóc Trăng, phía sau khu rừng bần xanh ngút ngàn là tuyến đê biển chắc chắn bảo vệ cho hàng chục ngàn hécta đang nuôi tôm công nghiệp. Năm 1992, sau thảm họa triều cường vỡ đê biển làm thiệt hại tài sản hàng trăm tỷ đồng, tỉnh Sóc Trăng (mới tách lập) đã tập trung sức người, sức của xây dựng trên 500km đê biển, đê sông; mở ra một cuộc “cách mạng” nuôi thủy sản.
Từ năm 2003 tới nay, Sóc Trăng là tỉnh dẫn đầu ĐBSCL về diện tích nuôi tôm công nghiệp ven biển. Từ cánh đồng năn mênh mông chạy dọc theo sông Mỹ Thanh tiến sâu vào đất liền hàng chục kilômét là những vuông tôm công nghiệp trùng điệp thuộc các huyện: Trần Đề, Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên. Đành rằng chỗ này, chỗ kia, thời điểm này, thời điểm khác có những hộ nuôi tôm thất bại nhưng cơ bản nuôi tôm công nghiệp ở vùng đất này khá trúng. Vì thế, thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm sú đã đóng góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế chung của Sóc Trăng. Rất nhiều người đã thành đại gia; hàng chục ngàn nông dân trước đây nghèo đói nhờ nuôi tôm sú mà có của ăn của để. Đời sống của người dân vùng ven biển không ngừng cải thiện, bộ mặt nông thôn mới không ngừng thay đổi.
Xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh là 1 trong 11 xã thuộc 11 tỉnh, thành phố cả nước được Ban Bí thư chọn xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới. Trên cánh đồng tôm hàng ngàn hécta, người dân đang hối hả, tất bật cho vụ sản xuất mới.
Đến nay Mỹ Long Nam đã đạt 18/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Riêng tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động mới đáp ứng 50% yêu cầu, thu nhập bình quân khoảng 25 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 9 triệu đồng so với năm 2009 và tăng hơn 1,6 lần so với thu nhập bình quân đầu người của toàn tỉnh. Điển hình nhất là vụ nuôi tôm năm 2010, nông dân trúng mùa, được giá, sản lượng tôm nuôi đạt hơn 3.100 tấn, giá trị kinh tế mang lại hơn 350 tỷ đồng, 90% hộ nuôi có lãi (từ 20 đến 500 triệu đồng/ha).
Sò nghêu dưới bãi
Hiện nay, tại vùng ven biển và các bãi bồi cửa sông thuộc địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau xuất hiện nhiều bãi nghêu, sò huyết giống mật độ cao với trữ lượng khá lớn, có thể khai thác phục vụ nuôi trồng thủy sản xuất khẩu.
Tại tỉnh Tiền Giang, nghêu giống xuất hiện trên bãi bồi Cồn Ngang, nằm kẹp giữa hai vàm Cửa Tiểu và Cửa Đại (sông Tiền) thuộc huyện Gò Công Đông với diện tích khoảng 1.300ha. Cùng với sự xuất hiện nghêu giống còn có sò huyết giống và hến biển. Trung bình mỗi năm, tỉnh Tiền Giang khai thác gần 8 tấn nghêu và sò huyết giống cung ứng nhu cầu nuôi nghêu và sò huyết thương phẩm khu vực ven biển Gò Công và các tỉnh lân cận.
Ngoài ra, Tiền Giang còn khai thác được lượng khá lớn hến biển phục vụ chăn nuôi thủy sản. Ước tính nguồn lợi nghêu, sò huyết giống và hến biển khai thác tại đây mỗi năm trị giá 5,5 tỷ đồng, qua đó tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ.
Vùng ven biển xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) mấy năm nay xuất hiện bãi sò huyết giống trên chiều dài 3km bờ biển với chiều rộng bãi bồi từ 150m đến 200m. Ngoài sò huyết giống còn kèm thêm cua biển, cá kèo giống. Các địa phương trên đã có biện pháp khảo sát, quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn giống thủy sản quý hiếm để phục vụ các chương trình nuôi trồng thủy sản xuất khẩu. Tỉnh Tiền Giang giao bãi nghêu giống Cồn Ngang cho Hợp tác xã Thủy sản Phú Tân (huyện Gò Công Đông) quản lý, còn Hợp tác xã Biển Đông (huyện Đông Hải - tỉnh Bạc Liêu) quản lý bãi sò huyết giống của xã Long Điền Đông.
Từ năm 2007, các vùng nuôi nghêu tại Bến Tre là đối tượng để MSC xét cấp chứng nhận thương hiệu MSC. Mục đích của MSC là khuyến khích phát triển mô hình sinh thái bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Đặc biệt, thông qua mô hình này, ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Bến Tre sẽ vận dụng cho việc phát triển bền vững các đối tượng nuôi khác như tôm sú, cá tra, tôm càng xanh.
Bến Tre là địa phương đầu tiên ở Đông Nam Á được chứng nhận MSC. Đây là minh chứng quan trọng cho việc bảo tồn nguồn tài nguyên của cộng đồng địa phương, vừa tác động tích cực đến mục tiêu tối thượng của kinh doanh.
Chỉ từ vài trăm lồng bè cách nay 3 năm, đến nay nghề nuôi cá lồng bè trên biển Kiên Giang đã vượt qua con số 3.000 lồng bè. Trong định hướng xây dựng vùng nuôi thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Kiên Giang sẽ quy hoạch 5 vùng nuôi. Trong đó, vùng nuôi cá lồng bè sẽ tập trung ở các đảo của huyện Kiên Hải, Phú Quốc, Kiên Lương và Hà Tiên.
Hiện tại Kiên Giang đã quy hoạch và công bố chi tiết nguồn lợi thủy sản trên biển, đảo; xác định vùng nuôi, đối tượng nuôi, loại hình nuôi cho từng khu vực. Tới đây, tỉnh sẽ tiến hành giao mặt nước cho các tổ chức, cá nhân sử dụng theo hình thức quản lý cộng đồng. Đẩy mạnh nhận chuyển giao công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất giống, kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh. Hạn chế việc khai thác cá giống trong tự nhiên, tích cực kêu gọi các tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng trại sản xuất giống cá mú sao, cá bớp và một số loại giống khác phục vụ nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, mỏ nghêu, sò ở ĐBSCL đã diễn ra tình trạng khai thác bừa bãi, có nơi dẫn đến xung đột, hay dịch bệnh tôm đang hoành hành nhưng ngành chủ quản chưa có biện pháp đối phó. Trước tình hình này, các địa phương đang bắt đầu sắp xếp, ổn định lại khu vực khai thác.
UBND các tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương kết hợp ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, bảo vệ vùng nuôi nghêu thương phẩm của các HTX; sớm nghiên cứu, sắp xếp cho ngư dân khai thác nghêu giống một cách hợp lý; không nên dùng những phương tiện khai thác nghêu mang tính hủy hoại cao.
| |
BÌNH - TRƯỜNG - PHONG
Kinh tế biển ĐBSCL - Động lực phát triển mới |
- Bài 1: Lá chắn rừng phòng hộ |