Kinh tế năm 2013: Tập trung xúc tiến, kích cầu niềm tin

Ngày 20-12, hơn 250 đại biểu đã tham dự Diễn đàn Xúc tiến thương mại và đầu tư 2012 (VIP forum) do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (Huba) phối hợp Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM và các sở, ngành tổ chức.

(SGGP).- Ngày 20-12, hơn 250 đại biểu đã tham dự Diễn đàn Xúc tiến thương mại và đầu tư 2012 (VIP forum) do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (Huba) phối hợp Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM và các sở, ngành tổ chức.

Đây là hội nghị hàng năm, tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước trao đổi về kinh nghiệm quản lý, góp ý về các chính sách và cơ chế, từ đó tìm các biện pháp tháo gỡ để hỗ trợ kịp thời cho DN.

Với chủ đề “Doanh nghiệp - cơ hội phát triển năm 2013”, nhiều ý kiến cho rằng, năm 2012 qua đi với quá nhiều những khó khăn thách thức. Hơn 200.000 DN đã giải thể và phá sản, riêng trong tháng 8-2012 vừa qua đã có tới 12.000 DN phá sản, con số này cao hơn rất nhiều so với mức bình quân của nhiều năm trước. Tính đến thời điểm này, lượng hàng tồn kho của các DN vẫn còn cao do mức cầu tiêu dùng giảm. Khó khăn đã tác động mạnh đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào VN. Nếu tính các dự án FDI còn hiệu lực và cấp mới thì năm 2012 mức giảm lên tới 52% so với năm ngoái.

TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng, trong năm 2012 niềm tin thị trường bị giảm sút nghiêm trọng. Do vậy, vấn đề trọng yếu trong công tác xúc tiến thương mại và đầu tư năm 2013, đó chính là phải xúc tiến niềm tin thị trường. Theo TS Trần Du Lịch, 2012 là năm thứ 5 liên tiếp kinh tế khó khăn, sút giảm kéo dài, dẫn đến sự thay đổi liên tục các chính sách kinh tế vĩ mô. Đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp chính là DN. 5 năm qua, họ đã quá vất vả, phải chòi đạp để có thể sống sót và tồn tại. Tuy nhiên, đến thời điểm này, do ráng sức kéo dài, làm cho đại bộ phận các DN bị đuối sức và họ đã mất niềm tin.

Vừa rồi, Chính phủ đã thống nhất đưa ra 3 giải pháp để hành động trong thời gian tới, đó là giải quyết hàng tồn kho, giải quyết nợ xấu và giải quyết thị trường bất động sản. Dự kiến, vào cuối tháng 12 tới, Chính phủ sẽ chính thức đưa ra các giải pháp này nhằm tháo gỡ, xử lý từng phần khó khăn cho các DN. Với cách làm này, Chính phủ sẽ chỉ hỗ trợ thị trường, chứ không cứu thị trường như nhiều người nghĩ.

Đối với các DN cũng cần xem lại mình, vì từ trước đến nay họ kinh doanh chủ yếu là dựa vào vốn vay, bằng tiền của người khác. Vì vậy, đã đến lúc các DN phải chấp nhận sự điều chỉnh từ thị trường, trong đó các DN làm ăn tốt sẽ tiếp tục phát triển, còn yếu kém sẽ bị đào thải. Một năm không phải là dài để có thể giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề mà cần phải có thời gian để tái cấu trúc thị trường và DN. Nếu Chính phủ kiên trì, niềm tin sẽ được lấy lại.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Huba cũng cho rằng, căn cứ tình hình hoạt động của các DN cũng như thế giới, kinh tế năm 2013 sẽ chưa sáng sủa vì hệ lụy tồn đọng từ năm 2012. Để tồn tại và tìm lối thoát, không còn cách nào khác, các DN cần năng động và sáng tạo hơn, cần có sự liên kết mạnh mẽ trong việc sử dụng các sản phẩm của nhau để tạo sức mạnh cộng hưởng, thể hiện tinh thần càng khó khăn, DN càng phải nỗ lực tìm ra cơ hội mới. Đây cũng là cách các DN phải tự cứu mình trước.

TH.H.

Tin cùng chuyên mục