Việt Nam - đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh để lại nhiều mất mát và đau thương đã chứng tỏ sức bật mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập kinh tế, theo nhận định của tờ Independent.
Ngôi sao đang lên ở Đông Nam Á
Mở đầu bài viết đăng trên tờ báo này, tác giả Smruti Inamdar cho rằng, hơn 40 năm sau cuộc chiến tranh giành độc lập, Việt Nam đã trở thành ngôi sao đang lên ở khu vực Đông Nam Á. Tác giả dẫn lại quá trình Việt Nam thực hiện công cuộc “Đổi mới” chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Với cuộc cải cách này, Việt Nam đã đưa GDP tăng trưởng từ năm 1986, mở đường thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Đến nay, tăng trưởng Việt Nam đang ở mức 6%, tỷ lệ thất nghiệp khoảng 2%, lạm phát ở mức 4%. Năm ngoái, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam là hơn 20 tỷ EUR (22 tỷ USD).
Việt Nam đang tích cực tham gia nhiều hiệp định thương mại kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Nổi bật trong số đó, có các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bắt đầu có hiệu lực vào năm 2018, EVFTA mở ra nhiều cơ hội tiếp cận nguồn công nghệ hiện đại, học hỏi kỹ năng quản lý, nâng cao tay nghề, tạo thêm việc làm cho người lao động tại Việt Nam. Phía các doanh nghiệp EU cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam mạnh mẽ hơn.
Với dân số hơn 90 triệu người và với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường cạnh tranh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tầng lớp trung lưu trong xã hội Việt Nam đang thúc đẩy các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực bán lẻ ngày càng phát triển. Dự kiến, thị trường bán lẻ tại Việt Nam sẽ có mức tăng khoảng 96 tỷ EUR (107 tỷ USD) trong năm 2017. Giáo dục cũng là yếu tố rất được chú trọng, với sự gia tăng nhanh chóng của các trường quốc tế. Thống kê cho thấy, để đầu tư cho giáo dục, hơn 100.000 sinh viên Việt Nam đã du học nước ngoài.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Nidec Tosok (Tập đoàn Nidec, Nhật Bản) tại TPHCM (Ảnh: CAO THĂNG)
Cũng theo bài báo, Việt Nam rất có tiềm năng trong việc phát triển công nghệ thông tin với hơn một nửa dân số đang sử dụng mạng Internet. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển công nghệ đang gây không ít cản trở cho lĩnh vực này. Ở cuối bài viết, tác giả cho rằng, Việt Nam vẫn trong quá trình cải cách kinh tế với mục đích là mang lại tính cạnh tranh cao trên thị trường kinh tế quốc tế. Dự kiến, trong năm nay, mức tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt 6,7%.
Triển vọng ổn định
Hãng tin Nikkei vừa công bố báo cáo về tình hình sản xuất ở khu vực Đông Nam Á cho thấy, trong tháng 8, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam - một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất đã tăng từ 51,9 điểm trong tháng 7 lên 52,2 điểm trong tháng 8 cho thấy các điều kiện hoạt động cải thiện nhẹ và chỉ cao hơn một chút so với tháng trước.
Mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa công bố báo cáo đánh giá, trong đó, Việt Nam được xếp hạng B1 với triển vọng ổn định. Moody’s đánh giá kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt và có độ đa dạng hóa cao. Theo Moody’s, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đi lên, bất chấp kinh tế Trung Quốc và toàn cầu chững lại. Tăng trưởng cũng được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước và đầu tư nước ngoài hồi phục, lạm phát thấp và tiêu dùng mạnh. Nhu cầu nội địa tăng một phần nhờ tăng trưởng tín dụng nhanh và lập trường nới lỏng tài khóa. Tuy nhiên, trong khi môi trường kinh doanh của ngành ngân hàng đã được bình ổn, vẫn còn nhiều lo ngại về năng lực vốn và chất lượng tài sản của các ngân hàng.
THANH HẰNG (tổng hợp)