Đó là một buổi chiều, vừa về ký túc xá anh ta đã nhận được mảnh giấy nhỏ nhằm báo một tin không lành.
Anh đi ngay đến một địa chỉ trong căn hẻm. Nơi đây đang tụ họp một số người trên một chiếc đi-văng. Còn một vài cô gái khác ngồi sụt sùi bên cạnh một “xác người” đang phủ 1 tấm vải trắng che kín toàn thân chỉ để lộ phần đầu.
Đó là một cái đầu trọc bị cháy đen, đôi mắt nhắm. “Thần lửa” đang hấp hối!
Người mẹ cô gái - gương mặt hốc hác - từ trong nhà bước ra. Anh cúi đầu chào, bà thầm thì. “Con M. nó đã tự thiêu! sắp “đi” rồi”. Bà trở vào nhà trong lấy ra một bọc giấy đưa cho anh: “Cái áo của con nó đã vá lại cổ và căn dặn dì tìm con để gửi lại” . Trong bọc còn có một bức tâm thư.
Ngay sau đó, anh được đưa đến ngồi bên cạnh. Một cô gái vén một góc tấm vải trắng để lộ cánh tay trái trông như cây than. Bà mẹ đến gần, kéo cả tấm vải trắng ra để lộ một xác người cháy đen.
* * *
Đó là vào khoảng năm 1963, tình hình Sài Gòn rối ren. Nơi này nơi nọ xảy ra những cuộc xuống đường biểu tình. Có lúc là những nhà sư áo nâu, có lúc áo vàng. Rồi có lúc là những sinh viên, học sinh. Họ tụ tập từ trong chợ Bến Thành bất ngờ chạy ra như bị “ma bắt”. Còn lực lượng cảnh sát, công an chìm nổi chạy theo rượt đuổi như giặc “bố ráp” Nhưng đoàn biểu tình vẫn hăng hái trương biểu ngữ vừa chạy vừa hô to.
Đùng một cái! Thầy Thích Quảng Đức tự thiêu theo một quy mô có tổ chức để cảnh cáo chính quyền! Những huyền thoại về một trái tim còn nguồn máu đỏ được loan truyền nhanh chóng. Ngọn lửa cháy rực đã đưa thầy về cõi Trời. Còn những dòng nước mắt và những nỗi ám ảnh về một cảnh địa ngục trần gian vẫn còn tồn tại. Ngay sau đó, những cuộc tự thiêu nhỏ hơn bày tỏ tấm lòng tự nguyện muốn làm một ngọn đuốc cô đơn như để thay đổi chế độ đang vào thời kỳ đen tối.
* * *
Trong giai đoạn lịch sử mờ mịt ấy, có một anh chàng trông như kẻ bàng quang đứng “chầu rìa” bên lề đường! Vào thời kỳ ấy, anh ta mới bước chân vào đại học trông như một con nai tơ và phấn khởi làm sao khi nhận được chân “thầy giáo” dạy kèm và “học kèm” cho con nhà chủ. Anh ta được “nhà chủ” sắm cho cái xe “Xôlếch” (Solex) cũ với máy cần trục gắn ở đầu xe, trông sang trọng ra trò!
Thật ra, lúc ấy làm sao mà có được cái “xe Vết-pa” với cái “đít vịt bầu” hay cái xe “Lam-bờ- rết-ta” (Lambretta) “sừng trâu” của bọn con nhà giàu, hay ít ra cũng phải cái xe máy “sát” hay “Gô ben” chạy nổ giòn tai ! Nghe “mô đen” dễ sợ! Các cô gái đẹp con nhà lành hay chọn ngồi sau mấy cái xe này. Còn cái bọn nhà nghèo như chàng ta, thì chỉ có cái xe đạp là sướng mớ đời! Ai mà ngồi vào chỗ đó trông “ế bỏ sừ”! Dù sao, riêng anh ta trong quãng đời học sinh cũng được làm chủ cái xe đạp sườn ngang dù không vè, không bọt-ba-ga, lại không có cặp thắng trông cũng ngon lành. Mà muốn thắng thì lết đôi dép lên trên đường. Còn bất ngờ! Thì cho cặp giò lên 2 bánh để kìm lại cũng hữu hiệu. Vì thế khi đậu xong cái bằng Tú tài 2 là chàng vênh mặt khiến nhà chủ phải lo giữ chân chàng bằng cái “con ngựa ô ròm ròm” như trên để coi như là trả trước một năm lương.
Mà nói nào ngay, vào lúc ấy “cái xế” của chàng dù không được coi là “quý phái” thì cũng “sang cả” lắm rồi! Vì nó thuộc tầng lớp “phó thường dân đen Nam bộ” mới lên đời! Có “cái xế” rồi! Là anh chàng “nghễu nghến” trên đường phố. Đặc biệt là thót lên trên đường Catinat để “lấy le” mấy cô gái đi dạo 2 bên phố với những chiếc “váy ngắn tới ngã ba Ông Tạ” hay để bắt mắt các cô gái Lô-li-ta mới nhú mầm yêu đương. Ấy! Đó là những cô gái con nhà lành hẳn hoi mà không phải là “bò lạc” như các anh dân chơi hay đi “bắt” dọc đường đâu nhé! Nhưng với cặp mắt nhìn xa, trông rộng, mẹ chàng căn dặn đủ điều là “con không nên chạy nhanh” hay “con không nên rểu phố tán gái mà bỏ học”. Anh ta trả lời như môt con chiên hiền lành của Chúa: “Không đâu mẹ! Xe mà chạy nhanh, người ta tưởng là chạy mánh, hay chạy phim”. “Con chạy tà tà mẹ à! Còn tán gái thì mẹ biết rồi! Có ai dạy con tán gái bao giờ!” Nói thế chứ! Chàng cũng có kịch bản “tán gái” để thử sức mình - một chàng trai đầy mơ mộng để trở thành “tài tử đóng phim!” hay “ca sĩ phòng trà!” thuộc hàng “sến”.
Anh ta bèn đổ đầy “bình xăng”! – chứ không đạp lách cách nữa. May làm sao! Mới vừa từ trong trường đi ra thì gặp một cô gái mặc chiếc áo “truyền thống” trông rõ ràng là con nhà lành. Vào thời ấy thật không có gì lãng mạn cho bằng khi trên đường phố Sài Gòn lại có cô gái mặc chiếc áo dài, gác chân lên nhau, ngồi ôm eo ếch phía sau. Ôi! Cái tà áo dài mỏng mảnh như sợi tơ phấp phới tung bay trong gió - trông “hấp dẫn” làm sao! Nó ẩn dụ một ngôn ngữ trữ tình còn sót lại của thời tiền chiến. Nó như bản nhạc vàng biết tung bay như cánh bướm trong bóng đêm hay trong những ngọn đèn đường mờ ảo. Cha chả! Giọng văn của chàng nghe “cải lương” làm sao!
Anh chàng ta bèn vọt lên phía trước cách xa chừng 100m rồi dừng lại như bị hỏng máy. Chàng ta bèn lúi cúi sửa chữa, hòng chờ “người đẹp” đi tới. Run quá! Nói câu gì mở lời. Chết! Cô ta còn 20 thước nữa! Rồi 10 thước, rồi 1 thước! Khoảng cách quá gần! Cặp giò chàng run lên như ăn phải chân gà. Nhưng nhờ Ông bà ông vải dẫn đường! Chàng ta bèn từ trong họng thót ra: “Xin lỗi cô! Cô có biết ở đâu có chỗ sửa xe? Cô ta bèn đứng lại - Anh đi tới chừng 100 thước là tới ngã tư! Có đó anh. - Thưa cô ngã tư nào? - Ủa! Anh ở tỉnh lên hay sao? Chết cha! Coi chừng lộ cái anh nhà quê ăn dưa giá. May quá! Cô rất tử tế “Thôi anh đi theo tôi”. Trời đất quỷ thần ơi! Mới mở hàng mà đã có khách “tiềm năng”. Rồi! Cô ta chủ động hỏi chàng là ai? Là sinh viên mới vào đại học, chứ ai! Cô ta có cảm tình ngay. Ủa anh đi đâu vậy? Dạ! Đi về ký túc xá Minh Mạng. Nghe tới đây! Cô ta bèn đặt câu hỏi. “Lúc này ở đó yên không anh”! “Không yên cô ạ! Cứ vài ba tối là cảnh sát nhào vô hốt”. - Rồi các anh phải làm sao? - Đã có anh em canh gác báo động. - Ai mà giấy tờ bất hợp pháp là họ nhảy! Ai hợp pháp ở lại. Trả lời đến đây thì cái xe đã bắt đầu nổ máy khi chàng đẩy nó một cái! A! Nổ máy rồi! Chàng ta vui ra mặt! Bây giờ chàng ta đã có chút “bản lĩnh”, bèn mớm lời. Cô đi về đâu? Hay cô lên xe tôi chở đi. Cô ta bèn nhận lời ngay. Trong đời – nghĩa là từ lúc đó kể đến sau này. Chàng đã “thành đạt” ban đầu rực rỡ...
>> Xin xem tiếp kỳ 2 ra ngày 7-8-2012
Bút ký của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng
Phó Giáo sư Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Văn hóa Việt Nam và Nhật Bản
Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng