Nói đến thể thao là nói đến tinh thần “mạnh hơn - cao hơn - xa hơn”. Theo nghĩa bóng, “tinh thần thể thao” đại diện cho thái độ công bằng, minh bạch và quyết liệt. Thể thao còn thể hiện cho khát vọng chiến thắng, đặc biệt là chiến thắng chính mình.
Vậy nhưng, trong tuần qua làng thể thao có nhiều chuyện không hay và đều đi ngược với tinh thần thể thao. Đầu tiên là ở môn quần vợt. Dù đích thân Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao kiêm trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games đứng ra giải quyết nhưng nội bộ của đội tuyển quần vợt vẫn chưa yên. Một loạt tuyển thủ quốc gia đòi làm đơn xin rút lui để phản đối những quyết định của lãnh đạo, rồi sau đó lên báo xin lỗi về thái độ của mình dù chưa ai khẳng định về mức độ thành khẩn của họ.
Bản chất của toàn bộ sự việc xuất phát từ chuyện các VĐV giàu kinh nghiệm không đồng ý với cách tuyển chọn của bộ môn quần vợt. Đúng hay sai chưa biết nhưng khách quan mà nói, khó có thể chấp nhận chuyện các VĐV lại thể hiện những hành động cá nhân như vậy đối với trách nhiệm quốc gia. Điều đáng nói là thay vì phản đối hoặc tranh luận thẳng với người có trách nhiệm, các VĐV lại trao đổi với báo chí như muốn dùng dư luận để gây sức ép, tạo nên những luồng thông tin phức tạp không cần thiết.
Ở môn bóng đá, cầu thủ Quốc Anh ở đội U-23 không xin phép rút lui trực tiếp với ban huấn luyện mà “biến mất” rồi lên báo phân trần. Sự việc này càng khiến người ta nghi ngờ động thái rút lui của nhiều tuyển thủ U-23 trong vài tháng vừa qua khi cảm thấy mình sẽ không được HLV Falko Goetz chọn lựa đến SEA Games 26. Ở đây, có thể thấy rất rõ tính kỷ luật ở các VĐV là quá kém dù đấy đều là những VĐV chuyên nghiệp.
Mặt khác, cách xử lý của những nhà quản lý cũng có vấn đề. Những cái sai của VĐV đã rõ nhưng chẳng hiểu sao các quyết định xử lý lại vô cùng chậm trễ dù mọi chế tài đều đã được quy định. Sự chậm trễ đó khiến người ta nghi ngờ tự hỏi liệu chính vì cách xử lý như trên mới dẫn đến tình trạng mất kỷ cương nơi VĐV hay không? Vấn đề đúng hay sai luôn cần có thời gian để xem xét, kiểm tra nhưng chuyện VĐV thể hiện sự thiếu tôn trọng là không thể chấp nhận, cần phải xử phạt ngay để làm gương. Ví dụ, dù chấp nhận lời xin lỗi của cầu thủ Quốc Anh và thông cảm trước sự bồng bột của cầu thủ trẻ này nhưng HLV Falko Goetz vẫn kiên quyết loại anh này ra khỏi đội. Trước đây, các HLV nước ngoài như ông Calisto, Alfred Riedl cũng từng làm những điều tương tự nhằm thiết lập tính kỷ luật cho cả tập thể.
Cần công khai, minh bạch và phải quyết liệt để thay đổi cả một nền thể thao vẫn còn nặng tính bao cấp, nghiệp dư. Các VĐV nước ta hiện vẫn còn thói quen đổ thừa, thích hành xử theo suy nghĩ cá nhân. Trong khi đó, những nhà quản lý lại không (hoặc không dám) thể hiện sự kiên quyết bởi bản thân họ cũng lửng lơ giữa nghiệp dư và chuyên nghiệp nên không rành mạch từng sự việc, gây nên dư luận không tốt trong xã hội.
Theo thông tin mà chúng tôi có được, trong thời gian tới, ở nhiều môn thể thao đang gút danh sách VĐV dự SEA Games cũng ngấm ngầm xảy ra các vụ việc tương tự như tại môn quần vợt. Thế nên, ngay từ bây giờ, thái độ của các nhà quản lý là vô cùng quan trọng, nhằm bảo đảm đoàn thể thao Việt Nam sẽ dự SEA Games 26 với đội hình tốt nhất. Quan trọng hơn là ý thức chuyên nghiệp, vì màu cờ sắc áo và khát vọng chiến thắng cao nhất.
Nhìn rộng ra, sự thiếu kỷ cương trong thể thao nếu không chấn chỉnh sẽ gây lo ngại cho xã hội khi tác động tiêu cực đến phụ huynh muốn cho con em mình theo nghiệp thể thao. Trách nhiệm này thuộc về những nhà quản lý khi tạo ra nhiều kẽ hở, thiếu chế tài dẫn đến tình trạng trên.
V.QUANG