(SGGPO). - Sáng nay 11-9, tại Bộ Giáo dục –Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 296/CT –TTg của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học (GDĐH) giai đoạn 2010-2012. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến ở 6 đầu cầu với sự tham dự của tất cả các trường ĐH trong cả nước.
Vẫn còn nhiều sai phạm
Báo cáo do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, 3 năm qua, toàn ngành giáo dục đã thực hiện nhiều đổi mới trong lĩnh vực GDĐH. Nổi bật nhất là rà soát chỉ tiêu phát triển hệ thống GDĐH đến năm 2020; đã trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Giáo dục giai đoạn 2011-2020; Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học- cao đẳng (ĐH-CĐ) giai đoạn 2006-2020... Luật GDĐH đã được ra đời, tạo hành lang pháp lý toàn diện cho GDĐH phát triển.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, đã thực hiện đổi mới công tác tài chính trong GDĐH, thực hiện 3 công khai về tài chính, trong đó có mức học phí, giúp cho sinh viên lựa chọn ngành nghề hợp lý với năng lực và điều kiện. Đặc biệt, thời gian qua chính sách tín dụng sinh viên đã được thực hiện tốt, đến nay có khoảng 2,4 triệu học sinh, sinh viên được vay gần 36.000 tỷ đồng phục vụ việc học tập.
Cũng trong thời gian qua, bộ đã thực hiện quy hoạch xây dựng các trường ĐH tại các địa phương. Thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước về GDĐH, theo đó thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường, giao quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH, khuyến khích các trường đủ điều kiện tự tổ chức tuyển sinh; thí điểm giao quyền tự tuyển sinh cho 10 trường ĐH khối nghệ thuật…Cùng với đó, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước giữa Trung ương và các địa phương, nhất là trong việc thanh tra, xử lý những sai phạm của các trường đóng trên địa bàn.
Bộ đã kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường của 87 trường ĐH-CĐ. Hầu hết các trường đã có nhiều cố gắng trong thực hiện cam kết, tuy nhiên nhiều trường có số lượng giảng viên cơ hữu không đầy đủ, 7 trường chỉ có dưới 50 trường giáo viên cơ hữu (ĐH Thành Tây, ĐH Công nghệ Đông Á, ĐH Thành Đông, CĐ Kinh tế-kỹ thuật Hà Nội..), 4 trường chưa có đất như đã cam kết.. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đã đình chỉ tuyển sinh năm 2012 của 4 trường ĐH-CĐ; đình chỉ tuyển sinh 17 ngành thuộc 8 trường ĐH-CĐ, tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Ga, đến nay các trường này đều đã khắc phục hết những khiếm khuyết và đã được tuyển sinh trở lại.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trong 3 năm qua, giáo dục đại học cũng đã tiến hành thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội và hợp tác với doanh nghiệp. Tập trung đào tạo theo nhu cầu xã hội cho các ngành như y tế, công nghệ thông tin và truyền thông, xây dựng và giao thông, tài chính-ngân hàng, du lịch, quốc phòng.. Đặc biệt, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã được bộ chú trọng. Đến nay, Trung tâm kiểm định giáo dục của ĐH Quốc gia Hà Nội đã thành lập, đây là trung tâm kiểm định đầu tiên của cả nước đi vào hoạt động...
Đến năm học 2014-2015: phải chấm dứt tình trạng Đại học dạy Đại học
Từ thực tế trên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, việc thực hiện đổi mới quản lý giáo dục đại học đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý bước đầu có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử như những sai sót, vi phạm của các trường chậm được phát hiện và xử lý, các kết luận thanh tra, kiểm tra chưa đủ mạnh hoặc xử lý sau thanh tra chưa kiên quyết và không đủ tính răn đe để chấm dứt các sai phạm. Việc thực hiện tự chủ của các trường chưa đi kèm với giải trình xã hội, dẫn tới nhiều sai phạm trong công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh mà thời gian qua xã hội rất bức xúc.
Một hạn chế khác là công tác kiểm định chất lượng chậm được triển khai, vì vậy chưa trở thành công cụ quan trọng của quản lý Nhà nước về giáo dục đại học. Trong khi đó, việc thực hiện chấp hành kỷ cương pháp luật ở nhiều trường chưa nghiêm dẫn tới nhiều sai phạm, nhất là trong tuyển sinh, liên kết đào tạo, bất chấp các quy định (như ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Công nghiệp TPHCM, CĐ kinh tế tài chính Thái Nguyên, CĐ Tài chính Hải quan, CĐ ASEAN..).
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, giai đoạn 2013-2015, ngành giáo dục sẽ phấn đấu khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay nhằm tạo ra những chuyển biến rõ rệt, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Trong đó sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thành lập trường và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; thực hiện quy định pháp luật về liên kết đào tạo, tuyển sinh, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, các điều kiện mở ngành đào tạo; thực hiện giao quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường ĐH. Cùng với đó, thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các khối ngành để tư vấn cho bộ trưởng những vấn đề liên quan đến phát triển ngành, hoạt động của các trường và phối hợp chia sẻ nguồn lực giữa các trường.
Bộ yêu cầu phấn đấu đến năm học 2014-2015, phải chấm dứt tình trạng ĐH dạy ĐH. Giữ vững ổn định quy mô, đi vào nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước thí điểm việc mở các chương trình giảng dạy trực tiếp bằng tiếng nước ngoài...
PHAN THẢO