Kỷ cương và chất lượng

Chủ tịch Hội đồng trọng tài Việt Nam Nguyễn Văn Mùi cho rằng, bóng đá phản ảnh một phần xã hội. Nếu như ngoài đường phố hiện nay, nhiều khi chỉ vì một cái liếc mắt không thiện cảm đã xảy ra đánh nhau thì chuyện trọng tài trên sân luôn ở trong tình trạng bị tấn công bất cứ lúc nào. Bởi sự thật là trọng tài luôn bị ghét nhiều hơn là được quý mến.

Chính vì thế, trọng tài cần được bảo vệ. Họ càng được an toàn thì kỷ cương sân cỏ mới có thể giữ nghiêm. Hành động trọng tài bỏ chạy vừa qua tại sân Nha Trang là một hình ảnh yếm thế của giới cầm còi, phản ảnh sự xuống cấp nghiêm trọng của kỷ cương trong bóng đá Việt Nam.

Giới trọng tài cho rằng, việc xử lý kỷ luật của ban tổ chức các giải cũng như VFF chưa đủ sức để ngăn ngừa bạo lực sân cỏ. Nếu trên sân, các trọng tài ngày càng rút nhiều thẻ phạt thì các quyết định kỷ luật “hậu trận đấu” lại chưa tương xứng.

FIFA hiện đang dùng đủ biện pháp, khuyến cáo các nhà điều hành bóng đá phải mạnh tay hơn với những hành vi thô bạo, phản văn hóa, nhưng ở Việt Nam, vẫn tồn tại các án phạt theo kiểu “giơ cao, đánh khẽ” hoặc “ném chuột sợ vỡ bình”. Thế mới có tình trạng sân Lạch Tray tại Hải Phòng nhận đến gần 20 án phạt trong 2 mùa bóng mà chẳng ai bảo đảm sẽ không tái diễn cảnh đốt pháo sáng. Rồi chuyện ông Lê Thụy Hải coi thường BTC bằng cách không dự họp báo, chỉ trả lời phỏng vấn báo chí sau trận đấu để không bị kỷ luật.

Giới trọng tài Việt Nam vẫn còn nhiều khiếm khuyết, cách tổ chức thi đấu của các sân bóng vẫn còn nghiệp dư, kém an toàn. Nhưng nói cho cùng, trình độ của trọng tài cũng tỷ lệ thuận với sự tiến bộ của một nền bóng đá. Làng cầu Việt Nam chỉ ở bước đầu của quá trình chuyên nghiệp, ý thức nghề nghiệp ở cầu thủ và HLV còn rất mơ hồ. Thế nhưng, nếu lấy lý do đó mà cho phép các cầu thủ phản đối trọng tài bằng nắm đấm hoặc sẵn sàng chọc tức khán giả thì không cách nào giữ kỷ cương trên sân bóng.

Mới đây, VFF vừa ban hành 2 quyết định kỷ luật liên quan đến chuyện cầu thủ có thái độ thiếu văn hóa, trong đó có việc cấm thi đấu cả mùa giải đối với một cầu thủ CLB TPHCM. Đây là lần đầu tiên VFF phạt nặng đối với hành vi tranh cãi và coi thường trọng tài. Phần lớn dư luận tỏ ý đồng tình vì cho rằng chỉ có phạt nặng mới làm thức tỉnh ý thức nghề nghiệp trong mỗi cầu thủ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nếu chỉ đưa ra án phạt mà không nâng cao chất lượng đội ngũ trọng tài có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Thật khó chấp nhận chuyện muốn phát triển nền bóng đá mà trọng tài lại yếu bản lĩnh, thiếu kinh nghiệm. Kỷ cương sân cỏ do chính giới “áo đen” nắm giữ. Họ càng có trình độ thì việc điều hành trận đấu sẽ tốt hơn. Phản ứng của cầu thủ trên sân ở đâu cũng có, kể cả các giải đấu cao nhất của thế giới. Nhưng nếu trọng tài cứ liên tục mắc lỗi nhận định, xử lý thiếu linh hoạt rất dễ dẫn đến hành vi bộc phát.

Vấn đề là nếu quyết định kỷ luật một cầu thủ hay thậm chí cả đội bóng có thể căn cứ vào điều lệ thì chuyện nâng cao năng lực trọng tài không đơn giản và tốn nhiều thời gian. VFF không thể cứ gia tăng những án phạt mà không có những điều chỉnh từ chính công tác tổ chức thi đấu của mình. Phải có những giải pháp bảo vệ và nâng chất trọng tài mới mong kỷ cương sân cỏ được nghiêm minh. 

CHU NGỌC

Tin cùng chuyên mục