Cảm xúc EURO
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới đó mà đã 12 năm, kể từ lần đầu tiên tôi biết thưởng thức không khí sôi động của một kỳ EURO. Người ta nói, lần đầu tiên luôn chan chứa xúc cảm nhất, càng trân trọng hơn khi đó là lần duy nhất và cuối cùng tôi được xem bóng đá cùng ba.
Năm đó, tôi mới lên tuổi 11, nhà tôi cũng vừa sắm được cái tivi màu, một tài sản vô cùng giá trị với người dân quê nghèo lúc bấy giờ nên tôi càng háo hức chờ đợi những trận cầu của Euro. Thực ra, cũng có thể tôi từng xem một vài trận đấu ở World Cup 2002 nhưng khi đó tuổi đời còn quá nhỏ để có thể hiểu và lưu giữ được những kỉ niệm về bóng đá. Mùa hè 2004, cũng là lần đầu tiên tôi được ba mua cho những tờ báo thể thao, bóng đá tràn ngập sắc màu, hơi thở của Euro. Tất nhiên một đứa trẻ như tôi khi đó đa phần chỉ lướt xem hình để nhận dạng một vài ngôi sao lớn quen thuộc và lắp ba lắp bắp đọc tên của họ để ghi nhớ trong đầu.
Tivi màu là một tài sản vô cùng giá trị với người dân quê nghèo lúc bấy giờ.
Hồi đó, tôi khó lòng mà xem hết được các trận đấu bởi nó diễn ra vào các khung giờ quá trễ. Ngồi chống cằm gật gù bên cạnh ba, tôi xem đâu được chừng một tuần thì các trận đấu lúc 23 giờ khuya cũng chấm dứt mà chuyển sang 1 giờ 45 phút. Thời gian đó ba hay nghe than mệt nên cũng chẳng buồn thức xem các trận đấu vào lúc rạng sáng nữa.
Đến tứ kết, lúc này Anh, đội bóng tôi mê mệt với những siêu sao cỡ bự David Beckham, Michael Owen, Paul Scholes… đụng Bồ Đào Nha nên đêm đó rất háo hức. Thiếp đi lúc nào không hay, chợt tỉnh dậy thì đã hết hiệp 1. Tôi chỉnh âm thanh xuống mức thấp nhất đến nỗi ghé sát tivi vẫn chỉ nghe tiếng thì thầm bởi sợ làm cả nhà thức giấc vì trước đó mẹ đã cấm tiệt xem bóng đá vào giờ này. Không ngờ 2 đội cầm chân nhau vào đến loạt penalty và rồi điểm nhấn xảy ra khi Beckham sút như “bắn chim” khiến Tam Sư về nước, trong phút uất ức tôi không kìm nén được sự tiếc nuối và bực tức nên hét lên làm mẹ giận tam bành.
Một đứa trẻ như tôi không hề được cho biết lúc đó ba đã bị tai biến trong người nên trước đó vẫn hay làu bàu với mẹ vì nghỉ hè vẫn không được xem bóng đá. Ba giật mình choàng tỉnh ôn tồn bảo tôi đi ngủ, từ nay đến hết giải chỉ được xem trận chung kết nữa thôi. Tôi lủi thủi đi nằm trong sự ấm ức không tài nào ngủ được mà lúc đó hình như cũng trời cũng sắp hửng sáng.
Phải hơn một tuần sau, trận chung kết mới diễn ra, lần này tôi đặt chuông báo thức và dậy trước hẳn nửa tiếng đồng hồ vì không muốn bỏ lỡ khoảnh khắc đáng nhớ ấy. Ba cũng lục tục bỏ dở giấc ngủ đứt quãng để pha ly sữa nóng cho tôi rồi tựa người vào ghế nhâm nhi tách tim sen nóng. Ba xem chăm chú cả trận đấu nhưng không hề biểu lộ xúc cảm kể cả khi tôi nhảy cẫng lên sung sướng vì tiền đạo số 9 của Hy Lạp (sau này mới biết là Charisteas) xé lưới Bồ Đào Nha. Đến tận bây giờ, tôi mới biết là những người đứng tuổi như ba chỉ thích xem Nga, Bulgaria, những đội bóng Đông Âu mà thôi.
Đến khi Hy Lạp nâng chức vô địch tôi vẫn không muốn tắt tivi vì tiếc nuối, nỗi tiếc nỗi của một đứa trẻ vì cuộc vui đã kết thúc. Tôi vẫn nhớ thời khắc ngoéo tay rằng 2 năm sau khi tôi lớn thêm một chút, ba sẽ cho và cùng tôi xem nhiều trận đấu hơn ở World Cup dù có khuya như thế nào. Ấy vậy mà chỉ nửa năm sau ba tôi ra đi mãi mãi vì căn bệnh u não quái ác. Sau này tôi đã xem nhiều hơn thậm chí gần như tất cả những trận đấu của các giải đấu lớn nhưng dường như nó thiếu một chút gì đó không trọn vẹn. Tôi ước rằng giá như có thể tắt lịm cả âm thanh chiếc tivi đi hoặc giả như chỉ ngồi cùng ba xem một hiệp đấu của EURO như lúc xưa thôi để cảm nhận lại những cung bậc cảm xúc ngây ngô đầy trong veo của ngày xưa ấy. Chỉ là ước thôi, vì tôi biết EURO cứ 4 năm lại đến còn ba thì đi xa mãi rồi.
QUỐC TUẤN