Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sẽ bế mạc vào cuối buổi sáng 23-11. Trước khi khép lại hơn một tháng làm việc sôi nổi của cơ quan lập pháp, trao đổi với báo chí, nhiều ĐBQH ghi nhận tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua nghị quyết. Ảnh: TTXVN
ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ (Hà Nội): Chủ tịch Quốc hội thể hiện rõ vai trò người điều hành
Tôi đặc biệt ấn tượng với phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XIV. Tại diễn đàn này, nhiều thành viên Chính phủ đã dám nhận trách nhiệm, kể cả với những hạn chế, yếu kém người tiền nhiệm để lại. Đa số câu hỏi của các vị ĐBQH đã đi thẳng vào vấn đề, không né tránh, không ngại va chạm. Thông qua chất vấn, những mảng sáng - tối của từng ngành, từng lĩnh vực được đánh giá toàn diện. Quốc hội, Chính phủ cũng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, đề xuất các giải pháp phát huy lợi thế, hạn chế mặt hại. Tại mỗi phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thể hiện rõ vai trò người điều hành, điều hòa, dẫn dắt. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ vấn đề nào nên tranh luận, khi nào bộ trưởng phải trả lời chất vấn, khi nào trả lời bằng văn bản, không quá sa đà vào một vấn đề, tránh trùng lặp.
ĐBQH NGUYỄN THÁI HỌC (Phú Yên): Nghị quyết về chất vấn cần quy định những biện pháp cứng rắn hơn
Việc Quốc hội áp dụng hình thức giơ bảng tranh luận trong chất vấn rất hay, tạo hiệu ứng tốt và cá nhân tôi cũng đã giơ bảng để tranh luận với bộ trưởng. Điểm mạnh của hình thức này là vấn đề đưa ra chất vấn không bị trôi đi hoặc bị vấn đề khác phủ lên, cũng không mất đi tính nóng bỏng. Dù mới là lần đầu áp dụng hình thức giơ bảng tranh luận, nhưng các đại biểu đều không bỡ ngỡ, góp phần tạo nên không khí sôi nổi, kịch tính cho các phiên chất vấn.
Điều cử tri chờ đợi là sau khi “nhận trách nhiệm” thì bước tiếp theo phải là “sửa sai” ngay, có như vậy mới đúng với tinh thần một chính phủ liêm chính, hành động, trách nhiệm, xứng đáng là công bộc của dân. Việc các thành viên Chính phủ khẩn trương khắc phục hạn chế, yếu kém mà đại biểu đã chỉ ra không chỉ nhằm thực hiện trách nhiệm của mình trước Quốc hội mà quan trọng hơn là trách nhiệm trước cử tri và nhân dân - chủ thể của quyền lực nhà nước. Tất nhiên tôi hiểu là có những vấn đề không thể giải quyết trong một sớm, một chiều mà cần có thêm thời gian. Do vậy, trước hết, trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn lần này, Quốc hội cần đưa ra được lộ trình và nhấn mạnh vào những vấn đề các thành viên Chính phủ phải thực hiện; kèm với đó là những biện pháp cứng rắn hơn đối với những bộ, ngành không hoàn thành yêu cầu, nhiệm vụ nghị quyết đã đưa ra, để có cơ sở xử lý và quy trách nhiệm.
ĐBQH LÊ THANH VÂN (Cà Mau): Tranh luận giúp ĐBQH bảo vệ chính kiến mạnh mẽ hơn
Một trong những đổi mới của kỳ họp lần này là các ĐBQH thực hiện quyền tranh luận, góp phần chuyển dần từ một Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận, tranh luận. Các ý kiến phát biểu trái chiều đã giúp cho những vấn đề nóng bỏng được nhìn nhận toàn diện hơn, từ nhiều khía cạnh khác nhau. Đổi mới theo hướng khuyến khích tranh luận còn giúp ĐBQH thể hiện rõ tính độc lập trong thể hiện chính kiến, khả năng giải trình, thuyết phục tại các diễn đàn công khai.
Tại kỳ họp này, dự án Luật về Hội và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 là minh chứng rõ nét nhất về sự tác động của tranh luận. Điều đó giúp cho Ban soạn thảo phải nhìn nhận lại độ chín muồi của dự thảo khi trình ra trước Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến tranh luận rõ ràng của ĐBQH và qua thăm dò ý kiến của ĐBQH có thông qua hay không thì đa số các đại biểu đều cho rằng không thông qua 2 dự án luật này tại kỳ họp vì chưa chín muồi, chưa đủ điều kiện.
ANH PHƯƠNG (ghi)