Về cách thức tổ chức, chưa bao giờ trong lịch sử Quốc hội nước ta, và có lẽ cũng là lịch sử nghị viện thế giới, một kỳ họp Quốc hội được tiến hành trực tuyến kết hợp với tập trung. Bàn về hình thức tổ chức họp trực tuyến tại phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra ngay trước khi khai mạc kỳ họp, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tuy chưa có tiền lệ và là việc bất đắc dĩ, nhưng nếu chuẩn bị, tổ chức tốt, việc áp dụng hình thức họp trực tuyến sẽ là một bước tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội, tiến tới Quốc hội điện tử; đồng thời, cũng là cách thức để Quốc hội có thể “phản ứng nhanh” trước những vấn đề cấp thiết do thực tiễn đặt ra.
Và vì vậy, những tác động to lớn của dịch Covid-19 đến kinh tế trong nước và thế giới, cũng như những giải pháp trong thời gian tới là nội dung trọng tâm trong chương trình nghị sự của kỳ họp. Báo cáo của Chính phủ cho biết, dịch Covid-19 không chỉ gây ra khủng hoảng y tế mà còn gây ra khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, chưa từng có trên phạm vi toàn cầu. Kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng nhất từ sau đại suy thoái giai đoạn 1929-1932, vượt xa khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 cả về phạm vi và độ sâu suy thoái. Làn sóng phá sản doanh nghiệp gây áp lực tăng nợ rất lớn đối với hệ thống tài chính toàn cầu, vốn đang mang số nợ rất cao (255 ngàn tỷ USD, tương đương 322% GDP toàn cầu)…
Với độ mở rất lớn, nền kinh tế Việt Nam không thể ở ngoài vòng xoáy đó. Không chỉ có như vậy, chúng ta còn đang phải đối diện và xử lý vấn đề an ninh nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn… Nhưng, các giải pháp ứng phó của Việt Nam trước tình hình dịch bệnh thời gian qua được quốc tế đánh giá là kịp thời, nhanh, quyết liệt và hiệu quả. Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận định, thể chế chính trị ở Việt Nam là nhân tố giúp Việt Nam đưa ra và triển khai những quyết sách chống dịch nhanh chóng, hiệu quả, có tính thống nhất rất cao trong toàn hệ thống chính trị. Lựa chọn đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên lợi ích kinh tế đã giúp cho mọi chính sách, biện pháp phòng chống dịch đều được người dân và doanh nghiệp ủng hộ.
Bất chấp những khó khăn, thách thức và áp lực gia tăng đối với nền kinh tế Việt Nam, vẫn có thể nhìn thấy những điểm sáng. Về tăng trưởng kinh tế, GDP quý 1-2020 của nước ta ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Tuy là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, nhưng vẫn được đánh giá là cao trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh và nhiều nước tăng trưởng âm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng 4,9% - mức cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020, nhưng so với tháng trước, CPI tháng 4-2020 đã giảm 1,54%, thể hiện lạm phát vẫn đang được kiểm soát. Trong khi đó, giá một số dịch vụ thiết yếu như điện, xăng dầu, cước dịch vụ viễn thông có xu hướng giảm. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính vẫn xuất siêu 3 tỷ USD, trong đó gạo là một trong số ít mặt hàng không bị tác động nhiều bởi dịch Covid-19 khi cả giá trị và sản lượng xuất khẩu đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. An ninh lương thực và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Tất nhiên, thời gian trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là bởi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 2 hoặc thứ 3. Chính vì thế, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu rõ: “Chính sách vĩ mô phải hết sức tỉnh táo. Lạc quan có mức độ nhưng nỗ lực, phấn đấu phải tột độ”. Kỳ họp tới đây, Quốc hội tiếp tục thể hiện vai trò lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trong một giai đoạn đặc biệt, hướng đến mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch; vừa huy động tối đa các nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tiến trình thiết kế những “chính sách vĩ mô tỉnh táo” với những giải pháp quyết liệt và căn cơ hơn đang được kỳ vọng ở Quốc hội.