Kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa VIII: Phải công bằng với dân trong quy hoạch

Nhiều dự án “treo” quá lâu
Kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa VIII: Phải công bằng với dân trong quy hoạch

Ngày 4-10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, kỳ họp thứ 6  Hội đồng nhân dân TPHCM khóa VIII khai mạc với chuyên đề “Công tác lập, thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị”, tập trung thảo luận về quy hoạch đô thị, đền bù giải tỏa, tái định cư. Tại buổi thảo luận tổ, các đại biểu (ĐB) đã tập trung thảo luận và tìm giải pháp cho những dự án “treo” nhiều năm nay trên địa bàn TPHCM.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi cùng các đại biểu. Ảnh: Việt Dũng

Chủ tịch  Hội đồng nhân dân TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi cùng các đại biểu. Ảnh: Việt Dũng

Nhiều dự án “treo” quá lâu

Tổng hợp các kiến nghị của cử tri TPHCM qua các đợt giám sát, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM Phạm Văn Hải cho rằng: Qua nhiều năm lập đồ án và thực hiện quy hoạch, diện mạo TP đã trở nên khang trang hơn, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề đã và đang gây bức xúc cho người dân sống trong vùng bị ảnh hưởng bởi quy hoạch “treo”, dự án “treo” suốt nhiều năm qua. Ông Phạm Văn Hải chỉ rõ: Hiện vẫn tồn tại không ít quy hoạch đã 10 năm, thậm chí đã 20 năm nhưng vẫn chưa thực hiện, như: quy hoạch ở khu ấp Doi, phường 15, quận Gò Vấp với diện tích hơn 40ha làm “khu cây xanh” đã “treo” từ 14 năm nay. Hay quy hoạch tại khu Bình Quới - Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) làm khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa, tính đến nay đã 12 năm kể từ ngày được phê duyệt quy hoạch.

Trường hợp khác là quy hoạch xây dựng khu đô thị Thanh niên Văn Thánh tại các phường 17, 19, 22 quận Bình Thạnh theo Quyết định số 3009 ban hành từ năm… 1992! Riêng tại phường 19 và 22, còn có quy hoạch “Khu bờ sông Tây Sài Gòn” chồng lên quy hoạch trên khiến người dân vô cùng bức xúc. Không chỉ nội thành, người dân ngoại thành cũng khổ sở bởi quá nhiều nơi còn vướng quy hoạch như: quy hoạch dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc tại 3 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Phạm Văn Hai đã “treo” 14 năm…

Theo ông Phạm Văn Hải, những tồn tại trên minh chứng cho sự thiếu phối hợp chặt chẽ và thiếu tính quyết liệt giữa các sở, ngành, quận - huyện, nhất là đối với 2 lĩnh vực có mối quan hệ mật thiết với nhau: lập quy hoạch đô thị và kế hoạch sử dụng đất.

Ở góc độ khác, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân  TPHCM Trương Thị Ánh chỉ rõ tồn tại, hạn chế là việc điều tra liên quan đến thu nhập, việc làm, đời sống của người dân có đất bị thu hồi, nhằm giải quyết các nội dung về hậu di dời, tái định cư, chưa được quan tâm đúng mức. Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có sự thay đổi qua nhiều giai đoạn, do phân kỳ đầu tư và trên một địa phương nhưng áp dụng chính sách giá bồi thường không đồng nhất, dẫn đến sự so bì, khiếu nại. Giá đất nông nghiệp thuần để tính bồi thường còn thấp so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường nên gây bức xúc đối với người có đất bị thu hồi...

 
 
  • ĐB Huỳnh Ngọc Ánh:

"Quy hoạch của chúng ta đến năm 2025 còn 12 năm, liệu có đủ thời gian để làm hay không? Nếu không thể hoàn thành hết các mục tiêu đặt ra thì ít nhất cũng phải trả lời được câu hỏi: Đến năm 2025, chúng ta làm được cái gì, chưa được cái gì, nguồn vốn từ đâu ra… để trả lời với cử tri TP"

 
 
 

Chế tài chủ đầu tư thiếu năng lực

ĐB Trần Trọng Dũng cho rằng: Quy hoạch phải hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân trong vùng quy hoạch nhưng thực tế hiện nay, người dân chịu quá nhiều thiệt thòi. Bất hợp lý là hiện người dân chịu quá nhiều chế tài, nhưng chưa thấy có sự chế tài nào đối với chủ đầu tư dự án khi để “treo” quá lâu.

ĐB Dũng đề nghị: “Phải có chế tài nghiêm đối với những chủ đầu tư dự án không đủ năng lực. Cần thiết, trong các hợp đồng đầu tư bắt buộc chủ đầu tư phải có khoản kinh phí nhất định trong tài khoản của quận, huyện, nơi dự án của họ có mặt, nếu không thực hiện đúng hợp đồng thì chủ đầu tư sẽ mất khoản tiền này và đây phải được coi là trách nhiệm của chủ đầu tư. Người dân khi mua căn hộ, nếu không nộp tiền đúng theo hợp đồng thì mất tiền cọc, còn chủ đầu tư trễ hẹn với dân nhưng không mất gì, như vậy không công bằng”. ĐB Lâm Đình Chiến quyết liệt hơn: các dự án vượt quá thời hạn 12 tháng cần phải thu hồi hết.

ĐB Nguyễn Văn Sơn đề xuất, nên có cơ quan chuyên lo về tái định cư vì chỉ giao cho ban bồi thường các quận huyện thì làm không xuể. Khi quy hoạch phải đặc biệt quan tâm các hạ tầng xã hội. Ví dụ: Khu đất 87ha ở quận 2 ban đầu quy hoạch dân số 20.000 người, giờ hiện hữu đã hơn 30.000 người, trong khi không có trường học, không có công viên, con em trong khu vực đến tuổi đi học phải qua nơi khác gửi.

Giám đốc Sở TN-MT TP Đào Anh Kiệt cho biết, TP chấp thuận chủ trương về nguyên tắc cho gia hạn hiệu lực văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư các dự án mà chủ đầu tư đã thỏa thuận bồi thường từ 50% diện tích trở lên trên tổng diện tích đất thực hiện dự án. Đối với các dự án nhà ở có tiến độ thỏa thuận bồi thường không đạt 50% diện tích đất dự án thì giao Sở Xây dựng TP tổ chức, kiểm tra, xem xét, thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Trường hợp có từ 2 nhà đầu tư tham gia thì tổ chức đấu chọn; trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư thì chọn chỉ định - công nhận chủ đầu tư theo quy định của Nghị định 71 ngày 23-6-2010 của Chính phủ. Đối với các dự án khác (không phải dự án nhà ở), TP giao Sở TN-MT chủ trì phối hợp Sở QH-KT, Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, UBND quận - huyện xem xét đề xuất xử lý từng trường hợp cụ thể về gia hạn hiệu lực văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư, trình UBNDTP xem xét, quyết định; đồng thời giải quyết các vướng mắc của chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ và hoàn tất thủ tục đầu tư triển khai dự án.

Trong báo cáo của mình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, đẩy mạnh công tác giám sát các dự án đầu tư theo quy định, tránh tình trạng “dự án treo”. Đối với nhà ở riêng lẻ của người dân trong các khu vực được quy hoạch là công viên cây xanh, các công trình phúc lợi công cộng, khu vực mở đường giao thông mới hoặc mở rộng đường giao thông theo lộ giới quy hoạch thì phải đảm bảo quyền lợi của người dân. Đối với các nội dung đã có kế hoạch thực hiện, cần công bố nguồn lực, thời gian và lộ trình thực hiện để cộng đồng dân cư được biết và giám sát thực hiện theo quy hoạch. Ngoài ra, đối với các nội dung mà qua rà soát, đánh giá nhận thấy không khả thi, cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch (xóa quy hoạch treo) cũng cần công bố và lấy ý kiến cộng đồng dân cư.

Ngày 5-10, kỳ họp sẽ diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến công tác quy hoạch, tái định cư…

 
 

Ý kiến đại biểu

- ĐB Thi Thị Tuyết Nhung: Khi đi khảo sát tại chung cư Tân Mỹ - một công trình tái định cư có ý nghĩa lớn, thế nhưng, đến nay vẫn còn 102 người dân được bố trí tái định cư tại đây chưa làm được giấy tờ chủ quyền nhà. Các cơ quan chức năng có liên quan đã làm hết trách nhiệm chưa?

- ĐB Trần Hữu Trí: Bản chất sâu xa của dự án “treo” là nằm ở công tác bồi thường. Do đó phải làm sao để những người nằm trong quy hoạch được hưởng đầy đủ quyền lợi, chắc chắn bức xúc của người dân trong vùng quy hoạch sẽ được giải tỏa.

- Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM Nguyễn Đình Hưng: Nên có sự đột phá trong tạo quỹ nhà tái định cư. Chẳng hạn, có thể thành lập khu đô thị tái định cư, sau đó tạo sự sống động và có biện pháp chăm lo hiệu quả để thu hút người dân đến ở. Quan trọng nhất vẫn là tạo việc làm với thu nhập phù hợp, có các tiện ích xã hội tối thiểu đảm bảo cuộc sống của người dân.

- Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Phạm Văn Hải: Đề nghị kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt và sớm thu hồi quyết định giao đất hoặc thay đổi chủ đầu tư đối với những chủ đầu tư để quá lâu không thực hiện dự án hoặc không đủ năng lực thực hiện dự án.

 
 
 

Vân Anh – Hồng Hiệp

Tin cùng chuyên mục