Từ nay đến 2025, TPHCM cần khoảng 10 triệu tỷ đồng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước chiếm từ 8% - 12%, còn lại huy động từ nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước. Đây là con số được UBND TPHCM đưa ra tại kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khóa VIII chuyên đề bàn về Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, diễn ra sáng 13-5.
Báo cáo tờ trình của UBND TPHCM về Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận nhấn mạnh: “Mục tiêu là xây dựng TPHCM trở thành một thành phố văn minh, hiện đại”. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 10% - 10,5%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 9,5% - 10%/năm và giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 8,5% - 9%/năm. Tờ trình của UBND TP cũng đề ra chỉ tiêu GDP bình quân đầu người ở TP theo giá thực tế đến năm 2015 đạt từ 4.856 - 4.967 USD, đến năm 2020 đạt từ 8.430 - 8.822 USD và đến năm 2025 đạt 13.340 - 14.285 USD. “Đặc biệt TP phấn đấu GDP bình quân thời kỳ 2011 - 2020 cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận khẳng định.
Thảo luận tại kỳ họp, theo đại biểu Lâm Thiếu Quân, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt từ 10% - 10,5% mà TP đề ra là điều cực kỳ khó. Trong hai năm vừa qua GDP của TP chỉ đạt 9,7% - 10%. Nếu TP đặt mục tiêu là trong năm 2014 và 2015 phải đạt 13,5% cho TP thì con số này rất khó thực hiện được. Do đó, TP cần cân nhắc hơn nữa vì điều này nó quyết định tổng mức đầu tư của TP cho tương lai. Trường hợp giữ nguyên tốc độ tăng trưởng này thì TP cần có những biện pháp triển khai mang tính cẩn trọng và có phương án dự phòng khi không đạt mức độ tăng trưởng. Đồng quan điểm, đại biểu Từ Minh Thiện cho rằng “phải tăng trưởng GDP xanh”. Tăng trưởng GDP của TP chắc chắn sẽ có sự đánh đổi, nhưng quan trọng nhất TP cần xác định mục tiêu cuối cùng phải là “tăng trưởng xanh” để làm sao cho cuộc sống người dân tốt hơn, chất lượng sống tốt hơn kèm với bảo vệ môi trường.
Đại biểu Lê Minh Đức nhấn mạnh: TP thực sự cần là một môi trường không khí trong lành. Vì hiện nay hầu như ai ra đường cũng bịt khẩu trang bởi môi trường không khí, môi trường nước mặt hệ thống kênh rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mà một trong những giải pháp, theo đại biểu này là khi quy hoạch các khu công nghiệp cần quan tâm phát triển kèm công viên cây xanh, khu sinh thái để cân bằng. Góp ý cho vấn đề quy hoạch, các đại biểu đề nghị TP cần có sự kiểm soát chặt chẽ vấn đề này; đặc biệt, giải quyết được các bất cập trong quy hoạch cũng như việc triển khai trong thực tế…
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng nhìn nhận: “Công tác quy hoạch còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém, như tầm nhìn và tính dự báo chưa cao, công tác quản lý, theo dõi thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập. Đặc biệt là quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội ban hành từ năm 1997 chậm được điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển của TP. Tất cả những vấn đề này sẽ được TPHCM tiếp tục đặt ra, giải quyết”.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm lưu ý, TP cần coi trọng việc công khai quy hoạch và quản lý quy hoạch một cách hiệu quả nhất.
Kỳ họp đã thông qua tờ trình về Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025 của UBND TPHCM.
| |
VÂN ANH