Tuần qua, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có văn bản gửi hệ thống siêu thị BigC đề nghị điều chỉnh giảm tổng mức chiết khấu tối đa còn 15% và xem xét không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới trong năm 2016 cho các doanh nghiệp (DN) thành viên của hiệp hội. Theo VASEP, ngoài chiết khấu tăng cao, những nhà cung cấp còn phải chịu nhiều loại chi phí, có những loại vô lý khiến không ít DN thủy sản Việt Nam (VN) phải dừng cấp hàng vào BigC. Từ câu chuyện này, nỗi lo hàng Việt sẽ khó trụ lại ở siêu thị có chủ đầu tư ngoại - đã thành sự thật.
Vấn đề là câu chuyện tỷ lệ chiết khấu lại thuộc phạm vi cho phép của quy luật thị trường, lãnh đạo một cơ quan quản lý cho rằng tranh chấp này chính quyền không thể can thiệp. Từ đó cho thấy chúng ta mở cửa ào ạt cho nhà đầu tư ngoại nhưng thiếu các ràng buộc về tỷ lệ hàng Việt vào siêu thị, các quy định về hoa hồng, chiết khấu… trong phạm vi cho phép của luật chơi hội nhập. Trên các diễn đàn kinh tế gần đây, các hiệp hội DN đều nói rất nhiều về chiến lược cấp bách cứu hàng Việt, giữ thị trường bán lẻ sân nhà. Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN đã đệ trình khá nhiều kiến nghị lên các bộ, ngành và… chờ đợi.
Thật ra, từ 6 năm trước, chiến dịch đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng Việt đến từng khu chế xuất, khu công nghiệp… đã được TPHCM đi đầu và triển khai thường xuyên. Cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt đã liên tục phát động suốt 10 năm qua. Sáng kiến Chương trình bình ổn thị trường của TPHCM ngoài đóng góp to lớn trong việc bình ổn giá cả mỗi mùa lễ tết, còn góp phần không nhỏ trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu Việt nhiều ngành hàng trong lòng người tiêu dùng. Vậy thì tại sao khi thị trường mở cửa, nhiều DN Việt đã bối rối?
Có lẽ nên bắt đầu từ tư duy làm ăn. Người tiêu dùng Việt thích hàng giá rẻ nhưng chất lượng phải tốt, ổn định, mẫu mã đẹp. Trong khi đó, hàng Việt ở nhiều ngành hàng, giá ngang ngửa hàng Thái nhưng chất lượng không ổn định. Tâm lý ăn xổi vẫn còn nặng ở nhiều DN Việt, dẫn đến hàng Việt không được ưa chuộng như hàng Thái Lan, Malaysia… Mặt khác, công nghệ sản xuất của ta còn lạc hậu, dẫn đến giá thành cao hơn các nước trong khu vực. Ở góc độ cạnh tranh thị trường, bên cạnh chiến lược cấp bách cứu thị trường bán lẻ, còn cần một chiến lược khác, đó là các DN Việt phải tự cứu mình bằng chính sách “giữ chân người tiêu dùng Việt”. Đó là thay đổi tư duy làm ăn bài bản hơn, trọng chữ tín, dẹp bỏ tư tưởng ăn xổi và đặc biệt là kiểu cạnh tranh “giảm chất lượng để giảm giá”, một mặt hàng sản xuất trước sau không đồng nhất.
Lấy ví dụ chai tương ớt. Gần đây, tương ớt, tương cà Thái Lan, Malaysia, kể cả Hàn Quốc đổ bộ ồ ạt vào VN nhưng tăng trưởng của mặt hàng gia vị nội thương hiệu Cholimex, Nosa food… vẫn phát triển tốt. Tương ớt, tương cà “nhà mình” còn xuất hiện cả trên hệ thống Pizza Hut và nhiều nhà hàng thức ăn nhanh nhượng quyền thương hiệu Âu Mỹ… đình đám. Đơn giản là vì… khẩu vị và giá! Tương tự, chiếc áo sơmi An Phước, Việt Tiến, đồ gốm sứ Minh Long… đều là ưu tiên lựa chọn của đại đa số người Việt dù hàng ngoại tràn ngập. Cách đây nhiều năm, khi một đại gia ngoại đang nắm giữ khá lớn thị phần trứng gia cầm ở TPHCM đột ngột tăng giá bán trứng liên tục, gây sức ép lên hệ thống phân phối. Saigon Co.op đã phối hợp các DN bình ổn giá ào ạt tung trứng gia cầm giá rẻ hơn, chất lượng không thua kém. Ngay lập tức, người tiêu dùng trở lại với trứng nội, DN ngoại nọ buộc phải điều chỉnh giá bán, nếu không muốn mất thị phần.
Sức mạnh của người tiêu dùng Việt rất lớn, thử hỏi nếu chủ thể chính này không tìm đến các siêu thị ngoại vì chê hàng giá cao mà chất lượng không bằng hàng VN, thì nhà phân phối có dại gì nhập hàng ngoại? Quyền lực lớn nhất chính là người tiêu dùng Việt, không phải hệ thống phân phối! Vì vậy, các DN Việt cần định hướng đúng và có chiến lược lôi kéo người tiêu dùng Việt dùng hàng Việt. Nếu hàng Việt giá rẻ, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp thì không chỉ đứng vững trên sân nhà mà nó còn khả năng xâm nhập xa hơn vào thị trường các nước.
SONG ĐĂNG