Kỹ năng khởi nghiệp

GIA HÂN
Kỹ năng khởi nghiệp

Phong trào khởi nghiệp đã và đang lan rộng trong người trẻ. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, chưa bao giờ “hệ sinh thái” khởi nghiệp được đông đảo giới trẻ tham gia, đồng hành nhiều như thế. Tuy vậy, chính các doanh nghiệp (DN) đã thành công, tạo được thương hiệu lại lo ngại thực tế không ít người trẻ lao vào khởi nghiệp trong khi chưa tự trang bị kỹ năng vững vàng. Một số DN ví von sự thiếu kỹ năng khi khởi nghiệp giống như “đi cày quên trâu”.

Gần đây, các trường đại học, cao đẳng… trên địa bàn TPHCM đồng loạt tổ chức các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, giúp sinh viên biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực. Ngoài việc tạo ra sân chơi thú vị, bổ ích, các hoạt động thiết thực này cũng chính là nền móng đầu tiên kích hoạt giấc mơ làm giàu của nhiều bạn trẻ. Thế nhưng, nếu có thời gian tham dự những chương trình này, nghe trực tiếp các bạn trình bày, mới thấy không ít bạn vô cùng hồn nhiên, vô tư khi đưa ra các ý tưởng kinh doanh mà không quan tâm đến tính khả thi của sản phẩm. Chẳng hạn như, mô hình sản xuất kim cương nhân tạo hoặc các ý tưởng kinh doanh theo kiểu tiếp cận các… hành tinh khác. Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển (thuộc Viện Kinh tế và quản lý TPHCM) trong một buổi giảng dạy tại trường đại học đã lưu ý các sinh viên rằng, hãy kéo ý tưởng đến gần với thực tế, nếu không ý tưởng chỉ mãi là ý tưởng.

Sự năng động của các bạn trẻ, giúp cho "hệ sinh thái" khởi nghiệp lan tỏa mạnh mẽ. Ảnh: Đ.T 

Tại diễn đàn khởi nghiệp Việt Nam diễn ra cách đây vài ngày, anh Phạm Duy Hiếu, CEO Quỹ khởi nghiệp Việt Nam, chia sẻ các bạn trẻ cần trau dồi, rèn luyện kỹ năng khởi nghiệp bởi đây chính là chìa khóa để thành công. Lãnh đạo DN trẻ cần tập trung cho yếu tố quản trị nhân sự và kỹ năng khởi nghiệp. Phẩm chất cần có của một người muốn khởi nghiệp, gồm: sự tự tin, ham học hỏi, tâm huyết với công việc, dũng cảm, giao tiếp tốt, biết cách giải quyết vấn đề…

Ngay trong diễn đàn, đã có một lãnh đạo DN trẻ chia sẻ bài học “xương máu” của mình trong hành trình kinh doanh từng thành công, tạo tiếng vang nhưng sau đó thất bại thảm hại chỉ vì lý do: nội bộ lục đục, bắt đầu chia rẽ khi công ty ăn nên làm ra. Ai cũng muốn khẳng định giá trị của mình trong công ty, muốn được phân chia tài sản. “Bây giờ, tôi phải một mình gầy dựng lại tất cả. Tiếp tục làm chuyên gia tư vấn, giám sát cho các công ty đa quốc gia để lấy tiền nuôi ước mong khởi nghiệp còn dang dở. Bài học đã qua của tôi chính là thiếu kỹ năng quản trị nhân sự. Cấp dưới suy nghĩ gì, người đồng cấp suy nghĩ gì tôi đều không biết. Từ khi công ty phát đạt, những lãnh đạo chủ chốt đều quay cuồng với việc tiếp khách, ký kết hợp đồng kinh doanh, không còn thời gian cho những buổi gặp gỡ, bàn thảo, chia sẻ công việc thân thiết như trước đây nữa”, vị lãnh đạo DN trẻ tâm sự.

Theo lãnh đạo của một số quỹ khởi nghiệp uy tín của nước ta, cứ 100 người nhận được hỗ trợ khởi nghiệp thì chưa tới 10 người thành công. Điều này thể hiện cuộc cạnh tranh, sàng lọc gay gắt giữa các DN, nhóm khởi nghiệp. Thế nhưng, có điều lạ là nhiều quỹ khởi nghiệp, “nhà đầu tư thiên thần” trên thế giới lại thích đầu tư vào các nhóm khởi nghiệp hoặc DN từng thất bại. Dẫn chứng như trên để thấy rằng cơ hội luôn lớn, rộng mở cho những ai đam mê, kiên trì khởi nghiệp và có kỹ năng. Nói như anh Lâm Minh Chánh, CEO Pasoto.vn tại một buổi trò chuyện về khởi nghiệp với sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM thì những ai thiếu kỹ năng, chưa có tiền, chưa kinh nghiệm thì tốt nhất không nên khởi nghiệp.

GIA HÂN

Tin cùng chuyên mục