Chưa bao giờ, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trẻ lại được nêu ra nhiều và “nóng bỏng” như hiện nay. Trên phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc hội thảo, hội nghị từ cấp quốc gia đến địa phương, đơn vị nhỏ, vấn đề này hầu như được đề cập tới thường xuyên, trực tiếp hoặc gián tiếp. Xã hội, nhà trường và gia đình đang phải chung tay phối hợp để đào tạo, rèn luyện các bạn trẻ có được những kỹ năng cần thiết đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập thế giới.
Có một vấn đề rất cần thiết trong “tổ hợp kỹ năng” nhưng chưa được quan tâm đúng mức: đấy là kỹ năng văn hóa giao tiếp. Thực ra, chúng ta đã nói rất nhiều, đã đề cập từ rất lâu về văn hóa giao tiếp. Nhưng tất cả mới ở mức “hồn vía” chung chung, chưa có cụ thể hóa thành những nghi thức bắt buộc. Ví dụ, một trong những nghi thức xã giao thông thường là bắt tay, dường như vẫn chưa được nhà trường, gia đình hay xã hội hướng dẫn một cách chuẩn mực.
Bắt tay là một biểu hiện văn hóa rất cần đến kỹ năng. Đấy là tín hiệu đầu tiên thể hiện mình là người như thế nào và thái độ ứng xử sẽ ra sao trong giao tiếp. Trước đây, trong các gia đình gia giáo nền nếp, con, cháu trong nhà, từ khi biết đọc biết viết, khi ra khỏi nhà hay lúc về nhà đều vòng tay thưa cha mẹ hoặc các bậc chú, bác, cô, dì… Nghi thức này không chỉ mang ý nghĩa hiếu thuận. Nó còn thể hiện được một nét đẹp văn hóa dân tộc. Tiếc thay, cái nghi thức văn hóa hiếu thuận ấy dường như đang bị mai một dần. Cũng chính vì có những quan niệm chưa đúng về văn hóa giao tiếp nên người ta xem nhẹ nghi thức giao tiếp.
Trở lại với vấn đề chất lượng nguồn nhân lực. Ai cũng biết, trong các yếu tố tạo nên thành công, thành đạt trong công việc, sự thông minh có thể coi là quan trọng nhất. Chỉ số thông minh của nhân lực có thể bồi dưỡng rèn luyện. Kỹ năng văn hóa giao tiếp chính là nền tảng, là tiền đề để nâng cao sự thông minh.
Hay nói một cách khác, văn hóa giao tiếp chính là sự thể hiện chỉ số thông minh. Người thông minh là người luôn biết mình, biết người. Và để biết mình, biết người nhất thiết phải được gia đình, nhà trường chỉ dẫn, giảng dạy từ nhỏ. Người ta quảng cáo rất nhiều về các loại sữa, thức ăn hay thuốc này thuốc nọ để tăng cao chỉ số thông minh, trong khi việc hướng dẫn, rèn giũa trẻ em cách ứng xử với gia đình, bạn bè, thiên nhiên và xã hội chưa nhiều.
Chính vì chưa biết kính trọng, chưa biết quý mến yêu thương nên đám học trò ngỗ ngược xử lý những tình huống tranh chấp bằng bạo lực gây ra những cái chết đau lòng, những vụ việc thương tâm. Chính vì không có kỹ năng trong văn hóa giao tiếp nên người ta lúng túng, bị động khi tiếp xúc người lạ, khi phối hợp công việc với người khác.
Người có kỹ năng văn hóa giao tiếp là người có bản lĩnh, tự tin, biết cách ứng xử phù hợp ở mọi tình huống, có khả năng làm việc độc lập hay phối hợp. Kỹ năng văn hóa giao tiếp rất cần thiết trong lập thân, lập nghiệp, đặc biệt cần thiết đối với giới chức quản lý, lãnh đạo. Kỹ năng này không thể tự dưng mà có. Đây là quá trình học tập, rèn luyện, thử thách.
Theo một số nhà nghiên cứu xã hội, người chịu khó đọc sách sẽ nâng cao được kỹ năng văn hóa giao tiếp. Bởi lẽ trong sách, đặc biệt là sách văn học có chất lượng cao luôn chứa đựng rất nhiều kinh nghiệm sống, kinh nghiệm giao tiếp, ứng xử của người đời. Do vậy, để có thêm kỹ năng văn hóa giao tiếp, nên khuyến khích, thậm chí bắt buộc học sinh và giới trẻ đọc những sách có giá trị văn hóa. Văn hóa đọc sẽ hỗ trợ tích cực văn hóa giao tiếp.
Nói tóm lại, kỹ năng văn hóa giao tiếp là phần quan trọng không thể thiếu trong chương trình giảng dạy ở nhà trường, trong mối quan tâm chăm sóc con cái ở gia đình và sự hướng dẫn ngoài xã hội. Nguồn nhân lực mạnh là nguồn nhân lực thông tuệ và điều ấy thể hiện rõ nhất trong văn hóa giao tiếp, ứng xử.
TRẦN VĂN