Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: Anh Ba dị ứng với “căn bệnh" giáo điều

TRẦN TRỌNG TÂN
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: Anh Ba dị ứng với “căn bệnh" giáo điều
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: Anh Ba dị ứng với “căn bệnh" giáo điều ảnh 1

Sáng 5-4, Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy, Trường Cán bộ, Viện Nghiên cứu xã hội TPHCM đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm khoa học kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Duẩn, cố Tổng Bí thư của Đảng (7-4-1907 – 7-4-2007).

Tham dự buổi tọa đàm có nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Võ Trần Chí, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương Trần Trọng Tân, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo, các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học, cán bộ ban tuyên giáo các tỉnh thành phía Nam và đại diện gia đình cố Tổng Bí thư Lê Duẩn… Dưới đây Báo SGGP 12Giờ xin trích đăng một số ý kiến, bài phát biểu tại cuộc tọa đàm.

  • Nhà lãnh đạo kiệt xuất

…Suốt từ khi gặp anh Ba trong kháng chiến chống Pháp, qua kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thời gian công tác ở TPHCM sau giải phóng rồi ra Hà Nội nhận công tác ở Trung ương và tới hôm nay, tôi luôn giữ trong mình tình cảm kính phục và những kỷ niệm sâu sắc về anh.

Đối với tôi, sau Bác Hồ, anh Ba Duẩn là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà lý luận uyên thâm, nhà hoạt động thực tiễn lớn của Đảng và của dân tộc ta, người có vai trò đóng góp rất lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Điều tôi cảm nhận rất sâu sắc từ nơi anh là ý thức dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ và tư duy sáng tạo, trăn trở, tìm tòi trong lý luận, trong thực tế cuộc sống để phát hiện những điều mới mẻ, đúng đắn, có lợi cho nước, cho dân.

Anh Ba rất kỵ, tới mức dị ứng, với cả “căn bệnh giáo điều, sách vở” và “căn bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa”. Trong kháng chiến cũng như trong hòa bình, anh luôn nhắc nhở chúng tôi bám sát thực tế và không ngừng sáng tạo trong tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương. Lời căn dặn đó của anh càng thêm ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta vừa thực hiện từng bước làm rõ “định hướng xã hội chủ nghĩa”…
Nguyên Thủ tướng VÕ VĂN KIỆT

  • Phân tích lý giải rất sâu sắc
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: Anh Ba dị ứng với “căn bệnh" giáo điều ảnh 2

Tổng Bí thư Lê Duẩn và Chủ tịch Cuba Fidel Castro

Những năm công tác ở cơ quan Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, anh em cán bộ chúng tôi được nghe phổ biến thư của đồng chí Lê Duẩn gởi vào Nam, thường là có sự phân tích, lý giải rất sâu sắc. Sau ngày miền Nam được giải phóng, tôi mới có nhiều lần gặp và được nghe đồng chí nói chuyện.

Thú vị nhất là qua nghe ý kiến đồng chí Lê Duẩn, có vấn đề tôi tưởng đã hiểu, nhưng hóa ra là chưa hiểu hoặc hiểu sai. Ý kiến của đồng chí thường là suy nghĩ rất độc lập. Đó là suy nghĩ từ thực tế, từ thực tiễn với vốn sống phong phú, để tìm lẽ phải, không bị lệ thuộc vào một khuôn sáo nào hết…

... Theo nhận thức của tôi, sau khi Bác Hồ mất, đồng chí Lê Duẩn là người tiêu biểu cho đỉnh cao về trí tuệ mưu lược của Đảng ta, của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đồng chí TRẦN TRỌNG TÂN
(nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương)

  • Am hiểu sâu sắc Sài Gòn - Gia Định

Qua các ý kiến phát biểu xúc động, chân thành của các cán bộ cách mạng lão thành, các nhà khoa học, từ nhiều góc độ khác nhau, chúng ta có dịp được hiểu thêm thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn bằng sự khắc họa chân dung đồng chí một cách chân thực và sinh động.

Thu hoạch lớn nhất của chúng ta tại cuộc tọa đàm này là, thông qua việc học tập về tư tưởng, đạo đức và tác phong công tác của đồng chí Lê Duẩn, chúng ta được trang bị những tấm gương sinh động để ra sức phát huy có hiệu quả ngày càng cao việc học tập tấm gương đạo đức cao quý của Bác Hồ: trung với Đảng, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Cuộc tọa đàm đã cung cấp cho chúng ta những tư liệu quý từ nguồn thực tiễn sinh động để thấy được rõ hơn và cảm nhận sâu sắc hơn về con người, tài năng, đức độ và phẩm chất chính trị của đồng chí Lê Duẩn…

Bí thư Thành ủy TPHCM
Lê Thanh Hải 

Sau giải phóng, đồng chí Lê Duẩn với cương vị Tổng Bí thư của  Đảng, đã luôn quan tâm chỉ đạo đối với TPHCM. Có lẽ do am hiểu sâu sắc Sài Gòn – Gia Định, Nam bộ, hiểu con người và xã hội nơi đây qua thời kỳ chiến tranh, nên đồng chí đã có những chỉ đạo sâu sắc, mới, phù hợp với tình hình, động viên, ủng hộ tính năng động sáng tạo của Đảng bộ và TPHCM. Trong bài phát biểu đầy tâm huyết tại Đại hội đại biểu lần thứ 3 của Đảng bộ TPHCM (tháng 11-1983), đồng chí đã gởi đến toàn Đảng bộ và nhân dân TP lời hiệu triệu thiết tha với niềm tin và dự báo sắt đá: “Vì cả nước, cùng cả nước, TPHCM hôm qua đã được giải phóng.

Vì cả nước, cùng cả nước, TPHCM hôm nay nhất định xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”.
PGS.TS PHAN XUÂN BIÊN
(Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Thành ủy)

  • Khả năng dự báo, tầm nhìn xa

Nhớ lại những năm giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, miền Bắc được giải phóng, miền Nam rơi vào ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, trong buổi tiễn các đồng chí ra Bắc tập kết, đảm nhận trách nhiệm ở lại chỉ đạo cách mạng miền Nam theo sự phân công của Bác Hồ và Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã nhạy cảm, sắc bén đánh giá thử thách mới, trước kẻ thù mới, để đưa ra dự báo về một cuộc kháng chiến trường kỳ mới của dân tộc khi hẹn: “15 đến 20 năm sau nữa chúng ta sẽ gặp lại nhau”. Lời tiên đoán của đồng chí đã được lịch sử chứng minh.

Đây không phải là sự ngẫu nhiên mà chứa đựng chiều sâu của tư duy, đánh giá đúng ngay từ đầu bản chất, sức mạnh, sự hạn chế của kẻ thù, là tiền đề để “rõ địch, rõ ta”, “trăm trận, trăm thắng”. Nhận định sắc bén của đồng chí Lê Duẩn càng rực sáng trí tuệ, sự từng trải, bản lĩnh, gắn bó lăn lộn với thực tiễn, cọ xát sinh tử khốc liệt với kẻ thù, hiểu tận chân tơ, kẽ tóc của chúng để chiến thắng…

Chúng ta học tập đồng chí Lê Duẩn ở khả năng dự báo, dự đoán trên cơ sở tầm nhìn rất xa, cách nhìn vấn đề rất rộng, rất cụ thể. Đồng chí không bao giờ đợi đủ dữ liệu mới tư duy, đợi đủ điều kiện mới hành động. Nhìn thấy trước, đi trước là điểm đặc sắc của đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
TS. NGUYỄN VIỆT HÙNG (Trường Cán bộ TP)

  • Con người của sự sáng tạo, đổi mới

…Đất nước ta đã diễn ra quá trình đổi mới từng phần, đổi mới cục bộ, từ cơ sở rồi mới có đường lối đổi mới vào năm 1986. Tuy nhiên, việc nghiên cứu đóng góp của đồng chí Lê Duẩn vào việc hình thành tư tưởng đổi mới còn ít công trình nghiên cứu trước Đại hội VI (năm 1986). Đây là 10 năm “mò mẫm”, trăn trở bằng những thử nghiệm “làm cho sản xuất bung ra”, thể hiện trách nhiệm của Đảng đối với dân tộc. Đồng chí là một nhà lý luận, nhà tổ chức, tổ chức thực hiện với tư cách là Tổng Bí thư của Đảng. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy đồng chí Lê Duẩn luôn luôn thực hiện tư tưởng chỉ đạo “chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”, chân lý phải được kiểm nghiệm qua thực tiễn, thực tiễn là tiên chuẩn của chân lý; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, quần chúng là người làm nên lịch sử…

Từ những tư tưởng trên đây của đồng chí Lê Duẩn, Hội nghị Trung ương VI (tháng 8-1979) bàn và đã ra nghị quyết về tình hình kinh tế cấp bách trước mắt, cách tháo gỡ cho “sản xuất bung ra”, nhất là hàng tiêu dùng và lương thực thực phẩm…
Th.S NGUYỄN HỮU HÙNG (Trường Cán bộ TP)

PHẠM TRƯỜNG
(lược ghi)

Sáng nay, Quảng Trị
Khánh thành tượng đài và công viên mang tên cố Tổng Bí thư Lê Duẩn

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (7-4-1907 - 7-4-2007), sáng 7-4, tỉnh Quảng Trị đã khánh thành tượng đài và công viên mang tên cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại thị xã Đông Hà. Tham dự lễ khánh thành có đồng chí Hồ Đức Việt - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư. và đại diện lãnh đạo các cơ quan T.Ư., các tỉnh, thành phố trong cả nước, cùng nhiều cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị và thị xã Đông Hà.

Tượng đài và các hạng mục trong công viên mang tên cố Tổng Bí thư Lê Duẩn được đầu tư và xây dựng trên khuôn viên rộng 2,3 ha; trong đó tượng đài được chạm khắc bằng đá xanh, có chiều cao 9,9 m (kể cả bệ móng) do Công ty cổ phần Mỹ thuật Hà Nội thực hiện. Các hạng mục khác trong công viên do nhiều đơn vị khác thi công.

T.B.N

Tin cùng chuyên mục