Kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - Nhà lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam

Nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, chiều 6-4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới thắp hương tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại nhà riêng.

Tưởng nhớ công lao to lớn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong suốt những năm trường kỳ kháng chiến của dân tộc, nhà lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nguyện cùng toàn Đảng, toàn quân và dân ta nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần thăm hỏi và chúc các thành viên gia đình cố Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công trong công tác, kế tục và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Sáng 6-4, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Đồng chí Lê Duẩn với cách mạng miền Nam”, nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (7-4-1907 – 7-4-2012), 37 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học tập trung làm rõ một số nội dung: Đồng chí Lê Duẩn - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam; đồng chí Lê Duẩn với việc chuẩn bị hoạch định đường lối cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; cống hiến của đồng chí Lê Duẩn trong lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Những cống hiến của đồng chí Lê Duẩn trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam được thể hiện trong những tư tưởng chỉ đạo chủ yếu: Tư tưởng dám đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ. Quyết tâm chiến lược này thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của toàn dân tộc, đồng thời là kết quả của tư duy cách mạng, khoa học, sáng tạo, đánh giá đúng tương quan lực lượng, năng lực lãnh đạo và khả năng biết khởi sự, biết điều khiển và biết kết thúc chiến tranh đúng lúc và có lợi nhất cho cách mạng. Tư tưởng chiến lược tiến công và nghệ thuật đánh thắng từng bước, đánh bại từng âm mưu, đánh đổ từng bộ phận của địch, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Tư tưởng sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng chính trị và vũ trang, với hai hình thức đấu tranh cơ bản: đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự; đánh địch trên ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao; trên ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị; bằng ba mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận.

Tư tưởng chiến lược đánh địch và thắng địch bằng sức mạnh tổng hợp. Đó là sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, sức mạnh của cả nước đánh giặc, sức mạnh của ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; sức mạnh dân tộc gắn liền với sức mạnh ba dòng thác cách mạng của thời đại.

Những tư tưởng chiến lược đúng đắn, sáng tạo nói trên được thể hiện trong đường lối kháng chiến của Đảng ta. Đó chính là nhân tố quan trọng hàng đầu để dân tộc ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - lập chiến công vĩ đại có ý nghĩa thời đại trong thế kỷ XX.

Các tham luận tại buổi tọa đàm một lần nữa khẳng định: Công lao, cống hiến của đồng chí Lê Duẩn đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đặc biệt những sáng tạo của đồng chí về lý luận và đường lối cách mạng trong đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã nâng trình độ tư duy lý luận của Đảng ta, dân tộc ta lên một tầm cao mới, góp phần làm phong phú kho tàng lý luận của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Những cống hiến đó đã đưa đồng chí Lê Duẩn lên tầm vóc một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta, một nhà lý luận sáng tạo của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

TTXVN


Tọa đàm khoa học “Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam”
Một tấm gương văn hóa ngời sáng

Nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, sáng 6-4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam”.

Khai mạc tọa đàm, GS-TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh tầm thông tuệ văn hóa, sự trân trọng văn hóa và những cống hiến to lớn đối với lĩnh vực văn hóa của đồng chí Lê Duẩn. Cùng đó là tình yêu thương con người, sự hy sinh, phấn đấu suốt đời vì hạnh phúc con người, cùng chiều sâu và tầm cao tư tưởng về con người của ông.

Trên 40 tham luận tại tọa đàm đã khắc họa rõ nét chân dung và những đóng góp to lớn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với văn hóa và con người Việt Nam. Bên cạnh di sản tư tưởng lý luận đầy sáng tạo về chiến tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã để lại cho hậu thế một di sản tư tưởng lý luận vô cùng quý giá về truyền thống văn hóa và con người Việt Nam. Ông thực sự là một nhân cách văn hóa lớn, một tấm gương văn hóa ngời sáng.

Đặc biệt, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn gắn vấn đề văn hóa với chính trị, tư tưởng. Trong lý luận của mình, ông nhấn mạnh đến ý nghĩa việc giải phóng con người, đến tình thương và lẽ phải. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng luôn dành một tình cảm đặc biệt đối với người Mẹ, người phụ nữ Việt Nam – cội nguồn của sự lưu giữ, trao truyền tình thương và lẽ phải, tức là lưu giữ và trao truyền truyền thống văn hóa dân tộc.

Tư tưởng đề cao truyền thống, bảo vệ truyền thống hầu như quán xuyến trong những bài viết, bài nói của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ông nói “Phải biến mọi giá trị văn hóa thành tài sản của nhân dân và làm cho nhân dân trở thành người sáng tạo trực tiếp mọi giá trị văn hóa”. Luận điểm này có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn trong tình hình đất nước ta đang hội nhập sâu với quốc tế. Cũng theo quan điểm này, ông nhấn mạnh: “Phải kế thừa những giá trị tinh thần, những cái hay, cái đẹp trong di sản văn hóa dân tộc cũng như trong tâm hồn và cốt cách của con người Việt Nam ta”. Những câu nói, luận điểm về văn hóa của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã trở thành định hướng cho văn hóa Việt Nam phát triển trong hơn nửa thế kỷ qua.

TTXVN

Tin cùng chuyên mục