Ngày 28-10, tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra lễ kỷ niệm 60 năm đón tiếp đồng bào cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954 - 2014).
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện lớp cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 và đông đảo nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã dự lễ.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu đã ôn lại truyền thống lịch sử 60 năm - ngày đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc theo quy định của Hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Với tầm nhìn xa, trông rộng, thấy trước âm mưu của địch phá hoại Hiệp định Giơnevơ; đàn áp, trả thù những người kháng chiến, Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo khẩn trương bố trí một bộ phận cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo cuộc chiến đấu và chuyển hàng vạn đồng bào, con em các gia đình cách mạng đi cùng với bộ đội và cán bộ tập kết ra Bắc để đào tạo đội ngũ cán bộ vừa góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Cùng với một số địa điểm khác, Sầm Sơn (Thanh Hóa) có vinh dự là địa điểm chính được đón tiếp đầu tiên cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.
Trong những ngày ấy, đời sống nhân dân miền Bắc nói chung, đồng bào Sầm Sơn, Thanh Hóa nói riêng còn hết sức khó khăn nhưng nhân dân Sầm Sơn, nhân dân miền Bắc đã chuẩn bị chu đáo những điều kiện tốt nhất để đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, học sinh cùng nhiều gia đình cách mạng miền Nam tập kết như đón những người thân, với tình cảm ruột thịt “Nam Bắc một nhà”.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người đã cùng với Trung ương Đảng có quyết định sáng suốt, có ý nghĩa chiến lược, chuyển một lực lượng lớn hơn 15 vạn cán bộ, chiến sĩ, nhân sĩ trí thức, học sinh, con em miền Nam tập kết ra miền Bắc để học tập, đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn bị một lực lượng hết sức quan trọng cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và xây dựng đất nước ngày nay.
Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dự lễ khởi công khu lưu niệm đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Khu lưu niệm được xây dựng tại địa điểm cảng Hới, nơi đón tiếp đồng bào năm xưa thuộc phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, nay là địa chỉ văn hóa, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng. Chủ tịch nước cũng đã thăm công trường thi công cầu Nguyệt Viên, bắc qua sông Mã, cách cầu Hoàng Long 3,5km về phía hạ lưu; công trình Trung tâm Triển lãm Hội chợ Quảng cáo tỉnh Thanh Hóa.
° Cùng ngày, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm sự kiện tập kết chuyển quân ra miền Bắc. Hơn 2.000 đại biểu đại diện cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân tỉnh Đồng Tháp tham dự buổi lễ.
Cao Lãnh, thuộc tỉnh Long Châu Sa (nay là tỉnh Đồng Tháp) được Đảng ta chọn làm một trong ba khu tập kết quan trọng tại Nam bộ. Khi đế quốc Mỹ thay thế thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, với trận địa trống trải của đồng bằng nhưng các cơ quan Xứ ủy, Tỉnh ủy, các lực lượng vũ trang vẫn có “căn cứ lòng dân” vững chắc để tồn tại và phát triển. Cán bộ, bộ đội tập kết ra Bắc được học tập nâng cao trình độ, xây dựng quân đội chính quy, tham gia xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh, làm hậu thuẫn cho cách mạng miền Nam.
Dịp này, tỉnh Đồng Tháp đồng loạt tổ chức chuỗi các hoạt động đặc sắc nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như: chương trình nghệ thuật kỷ niệm 60 năm ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh; họp mặt nhân chứng lịch sử kỷ niệm 60 năm ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh; dâng hương tại Khu mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc; triển lãm ảnh “Đồng Tháp xưa và nay”; thi tìm hiểu ý nghĩa sự kiện tập kết trong đoàn viên, thanh niên; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chiến sĩ tham gia sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc. Đặc biệt, chương trình họp mặt, giao lưu “Giữ trọn niềm tin” giữa các nhân chứng lịch sử và thế hệ trẻ là cơ hội để thanh niên hiểu thêm về truyền thống anh dũng kiên cường, bất khuất của lớp cha, anh đi trước, từ đó ra sức học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
TTX