Kỷ niệm 65 năm Ngày Báo Quân đội Nhân dân ra số đầu tiên (20-10-1950 - 20-10-2015): Bản sắc nhà báo chiến sĩ

Kỷ niệm 65 năm Ngày Báo Quân đội Nhân dân ra số đầu tiên (20-10-1950 - 20-10-2015): Bản sắc nhà báo chiến sĩ

Khi cái nắng hanh vàng giữa thu và ngọn gió heo may ngọt ngào rải trên phố phường Hà Nội, tôi có mặt ở ngôi nhà thân thuộc tại số 7 Phan Đình Phùng, nơi đặt trụ sở của Báo Quân đội Nhân dân (QĐND). Bước vào tuổi 65, những người làm báo của Lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam - tờ báo do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên, có cuộc sinh hoạt ấm áp, nghĩa tình - có cuộc gặp thân mật giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với những người làm báo Quân đội Nhân dân - những nhà báo chiến sĩ.

Tòa soạn và nhà in dã chiến của Báo QĐND theo sát chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Một

Bỏ qua những thủ tục mang tính hành chính, thông lệ giữa người đứng đầu Đảng ta với những người làm báo, Tổng Bí thư đã có cuộc trò chuyện thân mật.

Sau khi nghe Tổng Biên tập Báo QĐND, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn báo cáo, Tổng Bí thư không phát biểu mang tính chỉ đạo ngay mà ông dành nhiều thời gian lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà báo trước tình hình đất nước, trước thềm Đại hội lần thứ 12 của Đảng.

Có nhiều vấn đề đáng ghi nhận, nhưng tôi tâm huyết với điều Tổng Bí thư nhắc đi nhắc lại, phải làm sao xây dựng Báo QĐND xứng đáng là “Binh đoàn chủ lực” của Đảng và Nhà nước ta trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Các nhà báo quân đội phải làm sao rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ, xứng danh là nhà báo chiến sĩ, bộ đội Cụ Hồ.

Về vấn đề nhà báo chiến sĩ, không ít lần tôi đã được nghe người ta bàn thảo, những người làm báo QĐND gọi là nhà báo chiến sĩ hay chiến sĩ nhà báo. Xuất phát từ đặc thù công việc, cuối cùng mọi người đều thống nhất gọi đó là nhà báo chiến sĩ.

Tôi có may mắn được làm nhà báo quân đội gần 30 năm (trong đó có 15 năm công tác tại Báo QĐND), nên cái chất “nhà báo chiến sĩ “đã thấm vào máu thịt.

Quân đội là một trường học lớn. Chiến trường lại càng là trường học lớn hơn, bởi ở đó có những bài học phải trả bằng xương máu.

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ lời căn dặn của thầy tôi - cố GS Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai. Sinh thời, khi hướng dẫn tôi làm luận văn tốt nghiệp đại học, GS Hoàng Như Mai nói: Anh là nhà báo quân đội thì chọn đề tài bộ đội mà làm. Thầy gợi mở thêm, Bác Hồ đã nói nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Vũ khí của họ là cây bút và trang giấy.Tôi nghĩ, nhà báo quân đội phải hai lần là chiến sĩ; bởi họ không chỉ là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, mà còn là chiến sĩ ngoài chiến trường, phải lăn lộn nơi nguy hiểm để tác nghiệp.

Đúng như vậy, 65 năm qua, những người làm báo QĐND đã xứng danh là nhà báo chiến sĩ. Cũng như những người lính bộ đội Cụ Hồ khác, họ đã dấn thân vì Tổ quốc và nhân dân. Trải qua mấy cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, Báo QĐND đã có hàng chục nhà báo ngã xuống trên các chiến trường, thân thể họ đã biến thành đất đai của Tổ quốc.

Tên tuổi họ đã đi vào trang sử vàng của báo chí cách mạng Việt Nam, “trở thành tên đất nước”, đó là các liệt sĩ nhà báo: Đặng Trần Thi, Hoàng Lộc, Thâm Tâm, Tô Ân, Nguyễn Ngọc Nhu, Lê Đình Dư, Trần Đức Tuấn, Ngô Tất Thắng... Có những người đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, như nhà báo Lê Đình Dư, nhà báo Đặng Thọ Truật.

Hai

Cuộc trò chuyện, đối thoại thân tình giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các nhà báo chiến sĩ cứ xoay quanh “trục” nhà báo chiến sĩ. Bản sắc riêng của Báo QĐND là bám sát thực tiễn cuộc sống, vững vàng, kiên định về chính trị tư tưởng; năng động, sáng tạo ra nhiều tác phẩm báo chí có giá trị phục vụ đất nước và nhân dân. Gần đây, chuyên mục “Chống diễn biến hoà bình” với những bài báo giàu tính khoa học và thực tiễn, đã góp phần đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, bảo vệ đường lối quan điểm của Đảng, bảo vệ đất nước.

Bản sắc nhà báo chiến sĩ còn được thể hiện qua việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà báo vừa hồng vừa chuyên, không chỉ đảm bảo cho việc làm báo quân đội mà còn bổ sung cho đội ngũ làm báo và quản lý báo chí trong cả nước .

Tôi nhớ cách đây không lâu, khi làm việc với Báo QĐND, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói: Báo QĐND đã đào tạo ra nhiều nhà báo chiến sĩ cung cấp cho các cơ quan báo chí của cả nước, có nhiều đồng chí đã trở thành tổng biên tập các cơ quan báo chí. Đó là niềm tự hào của Báo QĐND nói riêng và quân đội ta nói chung.

Minh chứng điều ấy, nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà Báo VN, nguyên Phó Trưởng phòng biên tập thời sự quốc tế của Báo QĐND, cho biết có gần 20 tổng biên tập (TBT) các cơ quan báo chí của cả nước xuất thân từ Báo QĐND. Có thể ví dụ như các nhà báo: Trần Bá Đạo, Phạm Ngọc Thiện (TBT Báo Hà Nam Ninh - Hà Nam), Phạm Quốc Toàn (TBT Báo Bà Rịa - Vũng Tàu và tạp chí Người Làm Báo), Lê Đình Quế (TBT Báo Bà Rịa - Vũng Tàu), Tô Phương (TBT Báo Phú Khánh, Báo Phú Yên), Nguyễn Ngọc Niên (TBT Báo Lao động - Xã hội và Nhà báo - Công luận), Hồng Phương (TBT Tạp chí Nghề Báo), Hồ Quang Lợi (TBT Báo Hà Nội Mới), Trần Thế Tuyển (TBT Báo SGGP), Hồng Thanh Quang (TBT Báo Đại Đoàn Kết), Dương Đức Nguyện (TBT TC Nông thôn mới)...

Xin chúc mừng Báo QĐND bước vào tuổi 65, xứng đáng là “Binh đoàn chủ lực” trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng và Nhà nước, người bạn thân thiết của các lực lượng vũ trang và toàn dân, xứng danh tờ báo Anh hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Hà Nội, thu 2015.

TRẦN THẾ TUYỂN

Tin cùng chuyên mục