Kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 -- 27-7-2012) - Bản hùng ca bất diệt

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, đêm 26-7, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã tổ chức cầu truyền hình trực tiếp với chủ đề Bản hùng ca bất diệt. Tham dự có các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ…
Kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 -- 27-7-2012) - Bản hùng ca bất diệt

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, đêm 26-7, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã tổ chức cầu truyền hình trực tiếp với chủ đề Bản hùng ca bất diệt. Tham dự có các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ…

Ngoài điểm cầu truyền hình tại trường quay S9 (VTV), Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) - nơi an nghỉ và tưởng niệm hàng ngàn chiến sĩ cách mạng, trong đó có nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước; Nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang) - nơi giam giữ những người cộng sản kiên trung; Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh), Nghĩa trang Đường 9 (Quảng Trị), Nghĩa trang Điện Bàn (Quảng Nam); Thủ đô kháng chiến (Thái Nguyên), điểm cầu truyền hình Phú Quốc (Kiên Giang) được mở đầu bằng những thước phim xúc động mang tới khán giả xem truyền hình những hình ảnh giam cầm, tra tấn dã man và giết hại vô cùng tàn độc của địch đối với người tù cộng sản kiên trung. Nơi đây được ví như “địa ngục trần gian”.

Khán giả đã được nghe 2 cựu tù Phú Quốc kể về những tháng ngày bị tra tấn dã man và vui mừng chứng kiến những đổi thay trên mảnh đất chết năm nào. Sau 39 năm, từ địa ngục trần gian, nơi đây đã được tu bổ để con cháu muôn đời sau hiểu được tấm lòng kiên trung bất khuất của các thế hệ cha anh đi trước đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Ông Nguyễn Quý Toản, cựu tù Phú Quốc, cho biết quá khứ không thể quên nhưng vui mừng khi chứng kiến một đảo Phú Quốc đổi thay với hệ thống hạ tầng phát triển từ đường bộ, đường hàng không và cảng biển… Vinh dự và tự hào hơn khi dịp này đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Phú Quốc.

Tại điểm cầu truyền hình Nghĩa trang Đường 9 (Quảng Trị), nơi mảnh đất tâm linh đặc biệt, nơi hàng vạn liệt sĩ cả nước đã ngã xuống, những nén nhang, ngọn nến tri ân các anh hùng liệt sĩ như nhắc nhở các thế hệ mai sau phải sống xứng đáng với những những tấm gương liệt sĩ đã ngã xuống cho đất nước có được ngày hôm nay. Những hình ảnh về người đồng đội vượt rừng, lội suối đi tìm và quy tập các liệt sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng trong vòng tay đồng đội. Tại trường quay S9, nhà văn Chu Lai kính cẩn nghiêng mình trước những đồng đội đã hy sinh. Những câu chuyện của nhà văn Chu Lai đã khiến cho khán giả xem trực tiếp hết sức xúc động rơi nước mắt khi kể về những tấm gương hy sinh của các đồng đội của ông. Đó là những năm tháng không thể nào quên!

Khán giả cũng được sống lại những ngày lịch sử khi đến với điểm cầu truyền hình Tây Ninh - căn cứ của Trung ương Cục miền Nam, nơi nhiều lớp thế hệ cán bộ chiến sĩ an ninh đã xả thân quên mình với những chiến công hiển hách để đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. Hay điểm cầu Quảng Nam, Thái Nguyên giữa quá khứ và thực tại, giữa đau thương và hào hùng luôn nhắc nhở chúng ta không được phép quên. Điều mà cả 2 khách mời của chương trình là nhà văn Chu Lai và nhà sử học Dương Trung Quốc cũng khẳng định và phân tích. Điểm nhấn cuối cùng khiến không ít khán giả rơi nước mắt khi được nghe đọc bức thư của một chiến sĩ viết cho gia đình trước ngày hy sinh và coi sự hy sinh của mình cho Tổ quốc nhẹ như đi “nghiên cứu lòng đất”.

Cầu truyền hình trực tiếp Bản hùng ca bất diệt thực sự đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân cả nước, là cầu nối quá khứ với hiện tại, tình cảm thiêng liêng không chỉ của hôm nay mà là các thế hệ tiếp nối đối với sự hy sinh của bao thế hệ cha anh cho đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và trường tồn vững mạnh.

HOÀI NAM – HỒ THU


Các mẹ mãi là tấm gương sáng

(SGGP).- Chiều 26-7, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã dẫn đầu đoàn công tác của TP đến thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) đang sinh sống trên địa bàn quận 1, gồm: Bùi Thị Mè, Lê Thị Lượng, Nguyễn Thị Kiều.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mè. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mè. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Lê Thanh Hải đã ân cần thăm hỏi sức khỏe cũng như điều kiện sinh sống của các mẹ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những đóng góp, hy sinh của các mẹ cho đất nước. Đồng chí kính chúc các mẹ sống vui, sống khỏe cùng con cháu và mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay, mai sau noi theo. Đồng chí căn dặn chính quyền quận 1 và các phường Đa Kao, Bến Thành, Phạm Ngũ Lão phải thường xuyên quan tâm, phụng dưỡng và đảm bảo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần các mẹ.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã đến thăm hỏi, động viên Anh hùng LLVTND, Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương (người bị CIA cưa chân 6 lần). Trước đó, 2 Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Thương và Phan Văn Điền (20/17 Trần Hưng Đạo, thị xã Tây Ninh) cùng 7 đồng chí thương binh ở các tỉnh (Bến Tre, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…) đã có mặt tại TPHCM để được các chuyên gia Thái Lan lắp đặt tay, chân giả. Kinh phí của chương trình này khoảng 900 triệu đồng do Công ty CP Tiến Bộ Quốc tế cùng Tập đoàn Otto Bock (Đức) tài trợ.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đến thăm Anh hùng Nguyễn Văn Thương.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đến thăm Anh hùng Nguyễn Văn Thương.

Sáng cùng ngày, đoàn công tác của TP do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua dẫn đầu cũng đã đến thăm hỏi, tặng quà các Mẹ VNAH: Lại Thị Khuỳnh (ngụ quận Bình Thạnh, hiện đang ở với con trai tại khu 4, thị trấn Đức Hòa, tỉnh Long An), Phạm Thị Quỳnh và Nguyễn Thị Bê đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè.

Các đoàn đại biểu TPHCM do các đồng chí Đinh Thị Bạch Mai (Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM), Thiếu tướng Trương Văn Hai (Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM) làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, tặng quà các Mẹ VNAH: Trần Thị Hường, Tô Thị Huệ, Phạm Thị Vỵ, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Thị Mão (ở quận 1); Lâm Thị Lành, Nguyễn Thị Phơi, Nguyễn Thị Vui, Lê Thị Ợt, Lý Thị Thái (tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi). Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Dương Quan Hà đã chủ trì hội nghị sơ kết công tác phụng dưỡng Mẹ VNAH. Đến nay, TPHCM có 168 đơn vị, cá nhân đang phụng dưỡng 142 Mẹ VNAH trên địa bàn TP. Đoàn đại biểu UBMTTQ TPHCM cũng đã đến thăm hỏi, tặng quà các Mẹ VNAH Bùi Thị Định (quận 4); Nguyễn Thị Quế, Nguyễn Thị Đợi (quận 3)...



Thắp nến tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ

Cùng thời gian tổ chức cầu truyền hình Bản hùng ca bất diệt, các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn TPHCM cũng đã đồng loạt thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ. Tham dự có các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Dương Quan Hà, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TPHCM, Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành đoàn TPHCM…

Hơn 5.000 đoàn viên thanh niên có mặt tại các nghĩa trang liệt sĩ, các đền đài tưởng niệm trên khắp các quận huyện của TPHCM trong đêm 26-7 và gần 2.000 bạn trẻ là sinh viên - học sinh, thanh niên công nhân, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã tham dự lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố.

Tuổi trẻ TPHCM thắp đuốc truyền thống tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.Ảnh: VIỆT DŨNG

Tuổi trẻ TPHCM thắp đuốc truyền thống tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.Ảnh: VIỆT DŨNG

Thay mặt thế hệ trẻ thành phố mang tên Bác, bạn Nguyễn Thị Thanh Vân, Đoàn phường Tam Bình (quận Thủ Đức), em gái liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân hy sinh tại chiến trường Tây Nam, đã nói lên tình cảm và sự tri ân đối với những hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ và để hiểu rõ hơn giá của độc lập tự do mà đất nước đang có hôm nay.

Ở một góc sau lễ đài, bà Trần Thị Ngọc, 85 tuổi cùng 15 người con, cháu, dâu, rể quây quần bên phần mộ chồng bà, liệt sĩ Đoàn Văn Dận, tham dự lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, cũng có sự cảm nhận rất riêng trong không khí hùng tráng, linh thiêng của buổi lễ. Cũng với tình cảm đó, nhóm bạn trẻ gồm Đức, Phương, Hằng, Thông, Bích Vy… của Đoàn khối Doanh nghiệp công nghiệp Trung ương tại TPHCM có mặt tại nghĩa trang từ 17 giờ để xếp những ngọn nến thành hình trái tim, cờ Tổ quốc, dòng chữ 27-7… phía trước những hàng mộ.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục