1. Sao lại gọi một nhà lão thành cách mạng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, là nhà báo “trẻ”? “Trẻ” là thế nào khi năm nay ông đã 87 tuổi và đã từng viết nhiều bài thuyết trình, tham luận, bài báo qua hơn 60 năm tham gia cách mạng, gắn bó, tâm huyết, đã có rất nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa, lý luận của Đảng?
Ấy là bởi, cho dù chỉ mới gặp ông một lần, hay là may mắn được thường xuyên tiếp xúc, làm việc cùng ông thì người ta cũng sẽ thấy ngạc nhiên một cách thú vị trước sự trẻ trung, tươi mới của ông. Đấy là sự tươi trẻ trong suy nghĩ, tư tưởng của một người có khả năng luôn nhìn cuộc sống lúc nào cũng như mới mẻ, tươi nguyên, vô cùng sinh động và phong phú! Phẩm chất này, với nhà báo thật là quan trọng.
Ông không bị gánh nặng thời gian hay thói quen ngăn cản tư duy đối với những vấn đề mà không ít khi vì sự biếng lười trong suy nghĩ làm cho người ta thấy thật nhàm chán, tẻ nhạt. Ông luôn thấy trong mỗi vấn đề quen thuộc, dù là “công tác tư tưởng”, “công tác giáo dục lý luận chính trị” hay là “lịch sử Đảng”, “chủ nghĩa xã hội khoa học”, “chủ nghĩa Mác - Lênin “ sự hấp dẫn cần suy nghĩ thấu đáo, tìm ra những điều mới, tiếp cận nhiều chiều với thực tế cuộc sống đang không ngừng tuôn chảy, từ đó phân tích và làm sáng tỏ những khía cạnh thời sự, bức xúc đang được nhiều người quan tâm. Khả năng này của ông có được là từ sự lao động nghiêm túc của một nhà báo luôn quan tâm tới hiện thực, muốn hiểu, muốn biết, muốn lý giải, và cao hơn là khái quát lên thành lý luận.
Những bài báo Màn trình diễn về chủ nghĩa cơ hội chính trị, Vạch trần mọi luận điệu xuyên tạc, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh… thật sự là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, phê phán các quan điểm sai trái, hướng cho mọi người có hành động đúng, tích cực trong công cuộc đổi mới vẫn còn vô vàn khó khăn hiện nay. Một ví dụ rất cụ thể. Chúng ta đã nghe rất nhiều về vấn đề Đảng cầm quyền để dân làm chủ, vấn đề “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” do Đảng đề ra rất hợp lòng dân nhưng trong thực hiện còn nhiều sai sót. Thế nhưng khi nghe ông phân tích vấn đề mà ông gọi là “thuộc loại Nam quốc sơn hà” từ bao đời nay, dân ta thường rất nhạy cảm nhưng trong lãnh đạo có khi chưa chú ý này một cách giản dị Tìm hiểu tâm lý quần chúng, biết mừng, biết lo đúng mức thì thật ngạc nhiên một cách… nể phục!
Ông viết: Công cuộc đổi mới đã có nhiều thành tựu to lớn nhưng tình hình diễn biến còn phức tạp, lòng dân còn lắm nỗi chưa yên… Nắm bắt tâm lý quần chúng ở dạng tổng hợp nhất là nắm bắt về lòng tin của dân với Đảng. Trong lòng tin của dân, có lòng tin trực giác, lòng tin tín nhiệm, lòng tin khoa học, lòng tin tín ngưỡng… Dạng lòng tin nào của dân với Đảng cũng đáng được quan tâm xây dựng... Nếu hiểu sâu tâm lý quần chúng thì biết mừng, biết lo đúng mức. Những vấn đề cốt tử của Đảng đã được ông cô đọng như thế từ kiến thức sâu rộng, sự hiểu biết uyên thâm và tinh thần đầy trách nhiệm của ông với Đảng.
2. Sức làm việc của ông thật đáng nể. Ông luôn đưa bài rất kịp thời. Đã hứa với tòa soạn lúc nào đưa bài là thường đưa sớm hơn ngày giờ đã hứa. Cho đến bây giờ ông cũng vẫn giữ nguyên cái tác phong làm việc nghiêm cẩn, thận trọng.
Các bài viết của ông luôn thu hút mọi người và đều cho họ thấy cái họ cần, họ bức xúc đã được lý giải một cách thật nhẹ nhàng cho dù hầu hết các bài viết của ông đều tập trung vào lĩnh vực không ít người cho là khô khan, cứng nhắc, thậm chí giáo điều, khó nhằn, khó nuốt. Ông viết, bàn luận, phân tích những vấn đề lý luận và thực tiễn của tiến trình cách mạng Việt Nam, về tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, về công tác xây dựng Đảng. Ông viết với sức truyền cảm mãnh liệt về niềm tin cộng sản, phê phán chủ nghĩa tư bản. Và niềm tin sâu sắc, tình cảm thiêng liêng ấy của nhà báo - đảng viên Trần Trọng Tân với Đảng, với nhân dân qua các bài báo đã lan tỏa tới người đọc. Chúng ta cảm thấy rất rõ sức mạnh tài năng, trách nhiệm công dân của ông trong từng dòng chữ đó.
Viết về cái gì ông cũng tỏ ra là người có kiến thức sâu sắc về lĩnh vực đó. Ông không dửng dưng thờ ơ với bất cứ điều gì đang diễn ra trong đời sống tinh thần văn hóa của chúng ta. Đọc các bài viết của ông, rồi may mắn được trò chuyện cùng ông về chủ đề bài viết, càng thấy rõ một điều: Nhà báo cần phải biết về điều mình viết nhiều hơn rất nhiều so với điều mình sẽ viết ra. Trò chuyện với ông, thật lạ lùng là luôn khiến người nghe trào dâng niềm xúc động của niềm vui tư duy và viết. Khi nghe ông nói, người ta bị cuốn hút vào nội dung của câu chuyện với sự vận động không ngừng của con người, sự kiện và dễ dàng quên ngay đi cái giọng phát âm hơi nằng nặng rất đặc trưng “địa phương” vùng Cam Lộ, Quảng Trị ở nơi ông. Quảng Trị là quê hương của nhiều người tài ba, xuất chúng. Và ông, từ năm 1950, khi 26 tuổi đã là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị.
3. Ấn tượng nhất là nụ cười tươi trẻ, rạng rỡ luôn bừng sáng trên gương mặt phúc hậu của ông. Ông là người thật tinh nhạy trong suy nghĩ về những vấn đề tư tưởng - văn hóa, những vấn đề thuộc đời sống tinh thần - cái phần hồn “gấp ngàn lần phần xác” của chúng ta.
Các bài báo lý luận của ông khá dễ đọc. Thế nhưng nó không dễ dãi trôi qua mà ta phải đọc rất chậm thì mới hiểu hết ý tứ của tác giả. Ngôn ngữ báo chí của ông khá giản dị, trong sáng. Ông viết cô đọng, không dài dòng nhưng những gì mà ông đề cập trong trong bài hẳn mãi về sau này vẫn khiến ta thấm thía.
Trong bài “Suy nghĩ về vụ án Năm Cam”, ông viết: Thức tỉnh mọi người ham sống lương thiện với nguồn thu nhập chính đáng… Đối với việc xây dựng lực lượng trong khối nội chính, cần phải giải quyết tốt vấn đề “nuôi - dạy - dùng”. Dùng người là chọn mặt gửi vàng. Vàng là lợi ích của dân nên phải chọn người trung thành và liêm khiết. Dạy người, cần tập trung làm rõ cái vinh, cái nhục. Cứu giúp bảo vệ dân là vinh. Bao che bọn xấu, tiếp tay với tội phạm là nhục. Đặc biệt phải chú ý đến việc nuôi tốt… Đối với cán bộ, chiến sĩ ta trong khối nội chính, cần cố gắng bảo đảm cho anh em có nhà ở đàng hoàng…Ai còn gặp khó khăn, cần tìm mọi cách giúp đỡ. Anh em làm sai thì xử lý thật nghiêm, nhưng quyết không để anh em lâm cảnh túng thiếu mà xoay xở từ bọn xấu, rồi che chắn cho những việc làm phạm pháp để đến nỗi mang tội, mang nhục.
Bất cứ viết một cái gì, ông cũng thuyết phục người đọc bởi sự chân xác, trung thực. Có một vị linh mục đã nói với ông: “Các bài viết của anh tôi đều đọc rất kỹ và tôi đều bị thuyết phục bởi anh luôn dẫn chứng rất đầy đủ, chính xác”. Ông kể chuyện này với nụ cười giản dị nhưng không giấu niềm vui trong sáng. Ấy là niềm vui thực sự của người truyền lửa, truyền niềm tin cho mọi người để cùng hướng tới một tương lai tươi sáng. Với người viết báo, những phản hồi của bạn đọc như thế là phần thưởng thật đáng quý. Đã nhiều lần chúng tôi chứng kiến niềm vui của ông khi ông chia sẻ các bài viết đã được các báo trung ương, địa phương đăng tải với những phản hồi như vậy.
Với ông, viết báo cũng không ngoài mục đích vì cách mạng và phục vụ cách mạng. Đó là một công việc đầy suy nghĩ và vất vả nhưng rõ ràng, với ông không có công việc nào thú vị hơn, hấp dẫn hơn, đẹp đẽ hơn, vinh quang hơn và cũng nhiều gian khó hơn! Trăn trở và hạnh phúc luôn lộ rõ trong ông. Và có lẽ chính vì thế, ông luôn là “tầm ngắm” cho các báo, đài đặt bài mỗi khi có vấn đề nóng bỏng trong đời sống chính trị của đất nước.
Hồng Quân