(SGGP).- Để tránh tình trạng doanh nghiệp nhập nguyên liệu sản xuất là phế liệu nhưng là chất thải nguy hại môi trường, Chính phủ đã ban hành nghị định 38/2015/NĐ-CP, quy định từ ngày 15-6-2015, các doanh nghiệp nhập khẩu phải thực hiện ký quỹ.
Tùy theo trọng lượng lô hàng và loại hàng mà mức ký quỹ từ 10% - 20% trên tổng giá trị lô hàng nhập khẩu. Quy định này đang khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc vì nguồn vốn sản xuất vô tình bị đóng băng.
Nhập khẩu phế liệu phải thực hiện ký quỹ gây khó khăn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính
Doanh nghiệp gặp khó
Theo Nghị định, tổ chức cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu có khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn phải ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng nhập khẩu; từ 500 - 1.000 tấn phải ký quỹ 15%, còn 1.000 tấn trở lên phải ký quỹ 20%. Riêng đối với doanh nghiệp nhập khẩu giấy và nhựa phế liệu có khối lượng dưới 100 tấn phải ký quỹ 15% trên tổng giá trị lô hàng; nhập 100 - 500 tấn phải ký quỹ 18%; từ 500 tấn trở lên ký quỹ 20%. Còn những doanh nghiệp nhập khẩu số lượng chưa tới quy định tại mức trên thì ký quỹ 10% trên tổng giá trị lô hàng. Theo đó, Quỹ Bảo vệ môi trường hoặc ngân hàng thương mại nơi có tổ chức, cá nhân ký quỹ có trách nhiệm phong tỏa số tiền ký quỹ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Hoàng Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa TPHCM, cho biết, rất nhiều doanh nghiệp bức xúc vì cho rằng việc ký quỹ sẽ đóng băng nguồn vốn của doanh nghiệp. Phần lớn vốn hoạt động của doanh nghiệp vay từ ngân hàng, lãi suất trung bình khoảng 7%. Việc đóng băng đồng vốn sẽ gây khó cho doanh nghiệp quay vòng vốn vay. Đồng quan điểm này, ông Phạm Thanh Tùy, Giám đốc quản lý dự án Công ty TNHH Bao bì Giấy Newtoyo cho biết, 70% nguồn nguyên liệu sản xuất của công ty là nhập khẩu, nếu tính trung bình khoảng 100 triệu USD/tấn lô hàng thì phải ký quỹ 20 triệu USD. Tỷ lệ này quá lớn. Hiện với các doanh nghiệp nói chung, vốn hoạt động sản xuất đã không nhiều, lại phải vay ngân hàng nên việc ký quỹ thế chấp không khác gì làm tê liệt nguồn vốn quay vòng của doanh nghiệp.
Chế tài thay vì ký quỹ
Ông Trần Minh Chí, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, cho rằng, việc quy định các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu. Cách làm này cũng giúp tránh tình trạng ùn ứ chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường tại các cảng hiện nay mà chưa biết phải xử lý như thế nào. Tuy nhiên, không thể đánh đồng quản lý doanh nghiệp hoạt động tốt với những doanh nghiệp hoạt động không tốt, bằng cách buộc tất cả các doanh nghiệp ký quỹ từ 10% - 20% trên tổng giá trị một lô hàng. Trên thực tế, thủ tục xuất nhập khẩu vốn rất phức tạp, nay thêm việc ký quỹ chẳng khác nào buộc doanh nghiệp phải thêm thủ tục hành chính. Đó là chưa kể, ký quỹ thì dễ nhưng những thủ tục liên quan để có thể lấy được tiền ký quỹ ra chưa chắc dễ. Để nhận lại được số tiền ký thác, doanh nghiệp phải có văn bản đề nghị của doanh nghiệp nhập khẩu kèm theo bản sao chứng thực của tờ khai hải quan có đóng dấu xác nhận thông quan hoặc bản sao chứng thực của tờ khai hải quan có đóng dấu xác nhận đã tái xuất phế liệu. Điều này khiến cho quay vòng vốn doanh nghiệp càng chậm.
Ông Trần Minh Chí nhấn mạnh, việc xử lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm môi trường trong quá trình nhập khẩu phế liệu là công tác quản lý của cơ quan chức năng. Thực trạng để ùn ứ hàng hóa là phế liệu, gây ô nhiễm môi trường tại các cảng hiện nay một phần do năng lực quản lý hành chính còn hạn chế. Tuy nhiên, thay vì cải cách công tác quản lý, tăng cường biện pháp chế tài những doanh nghiệp có hành vi vi phạm nhập khẩu nguyên liệu sản xuất là phế liệu, thì lại đẩy cái khó về các doanh nghiệp.
Minh Xuân